Hàng nghìn viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc

Bài cuối: Giải bài toán thiếu hụt nhân lực ngành y

Thứ Hai, 04/07/2022, 06:01

Với mức lương từ 3-5 triệu đồng, cộng với phụ cấp, nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở đã không mặn mà với nghề đã xin nghỉ, chuyển công tác hoặc đi làm việc khác.

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua bộc lộ thiếu hụt lực lượng y tế cơ sở bởi dân số đông, F0 nhiều, họ phải làm việc ở cường độ cao, làm ngày, làm đêm, thậm chí bản thân đang mắc COVID-19 vẫn làm việc. Nhưng mức lương và đãi ngộ thấp, không đủ sống, nhiều người đã bỏ nghề ra đi. Bộ Y tế có giải pháp gì trước làn sóng nghỉ việc hiện nay?

Lương thấp, không thể bám trụ

Từng chứng kiến cường độ làm việc của các nhân viên y tế tại Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trong thời gian đỉnh dịch COVID-19, tôi mới thấy hết được những vất vả, cực nhọc của lực lượng y tế cơ sở. Trạm Y tế phường Đồng Tâm có 10 người thì chỉ có 1 bác sĩ là Trạm trưởng, còn lại là y tá, điều dưỡng, y sĩ "gánh" đến 2.000 F0. Thời điểm dịch bùng phát mạnh, cả 10 người của Trạm đều là F0 nhưng họ không được nghỉ ngơi mà vẫn làm việc bình thường. Dù sốt, ho sụ sù, song họ vẫn bắt máy tư vấn cho người dân là F0; liên hệ chuyển tuyến cho F0 nặng, làm các công việc hành chính cách ly ở tầng 2…

img_5811.jpg -0
Nhân viên y tế tuyến cơ sở vất vả nhưng lương thấp, khiến nhiều người rất khó khăn.

“Suốt cả thời gian cao điểm, chúng tôi không ngày nghỉ, có đêm tư vấn cho người dân đến 1 giờ sáng. Hoặc nửa đêm về sáng việc chuyển bệnh nhân nặng đi viện, mang bình oxy đến cho người bệnh thở là chuyện hết sức bình thường. Ngoài dịch bệnh, chúng tôi còn gánh rất nhiều công việc khác”, BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng cho biết.

Vất vả, cực nhọc như vậy nhưng mức lương của các nhân viên y tế không đủ sống. Theo BS Huệ, mức lương của các nhân viên y tế ở trạm người thấp nhất hơn 3 triệu, người 4 triệu, người 5 triệu… Họ chỉ có đồng lương và phụ cấp, không có thêm khoản thu nhập nào. Trước đây, có 1-2 người còn đi làm ngoài, nhưng từ khi có dịch COVID-19 thì không còn thời gian. Cường độ làm việc cao, áp lực công việc nặng nề, lương thấp nên không có bác sĩ về tuyến y tế cơ sở. Cả quận Hai Bà Trưng, mỗi trạm y tế có từ 6-8 nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ là trạm trưởng, thậm chí có trạm không có bác sĩ đa khoa mà chỉ có bác sĩ đông y. Một số đồng nghiệp đã xin nghỉ hoặc chuyển ra ngoài làm ở bệnh viện tư.

Trong làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc, bỏ việc, Trạm Y tế phường Đồng Tâm đến giờ vẫn giữ nguyên được nhân lực. Theo BS Huệ, nhiều người cũng khó khăn lắm, mức lương 3-5 triệu đồng thì đi đâu mà họ không kiếm được việc làm. “Trong giai đoạn khó khăn này tôi vẫn luôn động viên chị em khắc phục bám trụ. Chúng tôi làm vì tình yêu nghề, làm vì đam mê, ở đây chúng tôi gắn bó, yêu thương, san sẻ công việc với nhau như một gia đình. Nếu không có điều này thì khó giữ chân các nhân viên y tế của mình. Đến lúc họ rời đi thì sẽ rất khó khăn cho y tế cơ sở vốn đã thiếu hụt nhân lực như hiện nay”, BS Huệ nói.

Điều khiến BS Huệ trăn trở là hiện nay nhiều BS, nhân viên y tế nghỉ việc ra ngoài làm bệnh viện tư. Có đồng nghiệp của chị, là BS về hưu, vào bệnh viện tư làm với mức lương 800 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày; điều dưỡng là 350 ngày. Công tác trong ngành y gần 30 năm, tính cả lương, phụ cấp, BS Huệ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương bệnh viện tư trả sẽ cao gấp gần 3 lần. Nhiều người khó khăn về kinh tế đã phải “dứt áo ra đi”. “Giai đoạn này chúng tôi rất chia sẻ với nhà nước, mình yêu nghề, gắn bó lâu dài rồi nên vẫn bám trụ đến ngày nghỉ hưu. Nhưng còn các cán bộ, nhân viên y tế trẻ, với mức lương không đủ sống, họ đi tìm công việc lương cao hơn để bảo đảm nuôi gia đình là điều tất yếu. TP Hà Nội nói thời gian tới sẽ quan tâm tới cán bộ y tế hơn, chúng tôi hy vọng vào điều này, nếu không thì sẽ chảy máu chất xám”, BS Huệ chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2021 đến 30/4/2022, Thủ đô có 857 người làm trong lĩnh vực y tế nghỉ việc, xin chuyển công tác. Nguyên nhân được cho rằng, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm, tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Vì thế, nhiều nhân viên y tế đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.

Giải pháp nào để giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp, trong đó đối với y tế cơ sở, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó quy định nâng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế phục vụ nhiệm vụ chuyên môn cũng như thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Đồng thời nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bằng việc tích cực triển khai thực hiện Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn” với mục tiêu tăng cường đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần bảo đảm sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Tuyên, Bộ Y tế đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là những viên chức có trình độ chuyên môn cao.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, để y tế công phát triển, cần phải có mức lương xứng đáng. Nhiều ý kiến khác cũng đồng quan điểm, đặc biệt là tăng lương, tăng phụ cấp, nhất là cần có những đãi ngộ xứng đáng, ví dụ khi dịch bệnh xảy ra tiền thù lao chống dịch phải được nhận kịp thời… Bởi theo một nghiên cứu do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát vào cuối năm 2021 trên 2.700 nhân viên y tế trên cả nước thì có hơn 1/3 người cho rằng lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm; 62% cán bộ y tế được khảo sát chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào; hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Trần Hằng
.
.
.