Bác bỏ tin đồn thiếu thuốc cho bệnh nhân ung thư

Thứ Tư, 17/01/2018, 19:44
“Không có chuyện bệnh nhân bị đứt đoạn điều trị do thiếu thuốc” là khẳng định của TS. Bạch Quốc Khánh – Giám đốc Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương vào ngày 17-1 trước thông tin thiếu thuốc Glivec 100mg cho bệnh nhân ung thư máu đang gây xôn xao dư luận.


Mấy ngày qua, người bệnh ung thư rất hoang mang trước thông tin nhiều bệnh viện (BV) lớn thuộc chương trình hỗ trợ thuốc điều trị ung thư Glivec 100mg và Tasigna 200mg cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không còn thuốc. Cả nước hiện có hơn 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Glivec.

Giải thích về việc thiếu hụt này, TS. Khánh cho biết, Glivec là thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tuỷ (một dạng ung thư máu mạn tính), u lympho cấp, loạn sản tủy, tăng sinh tủy xương... Đây là một phương pháp điều trị chi phí cao, khoảng 500 triệu đồng/năm/người bệnh. Mỗi bệnh nhân dùng 3-4 viên/ngày với giá khoảng 400.000 đồng/viên. 

Điều trị cho bệnh nhân ung thư máu ở Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương

Để giảm bớt gánh nặng cho người bệnh, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam kết hợp với Công ty Novartis (Thuỵ Sỹ) thoả thuận phía BHXH Việt Nam sẽ chi trả 40% chi phí cho người có thẻ BHYT, còn lại 60% do Công ty Novartis hỗ trợ cho người bệnh. Những người không có BHYT hoặc tham gia BHYT chưa đủ 36 tháng liên tục, Công ty Novartis tài trợ 100% thuốc Glivec hoặc Tasigna.

Nếu không có thuốc theo viện trợ hoặc BHYT sẽ là gánh nặng lớn cho người bệnh. Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi tìm hiểu ở một số BV có nhiều bệnh nhân ung thư phải sử dụng loại thuốc trên thì tình hình không “bi đát” đến thế.

Theo TS. Khánh, tại Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương hiện đang có khoảng 400- 500 bệnh nhân ung thư điều trị bằng thuốc Glivec 100mg và Tasigna 200mg. Các bệnh nhân này được điều trị thuốc Glivec 100mg và Tasigna 200mg từ hai nguồn là nguồn viện trợ và nguồn từ BHYT. Hiện nay nguồn thuốc viện trợ tạm thời hết, nhưng bệnh nhân vẫn được sử dụng thuốc từ nguồn của BHYT, tuy nhiên liều có ít hơn liều thường ngày.

Để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân được liên tục, Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương đã trao đổi với lãnh đạo BHXH Việt Nam và Vụ BHYT (Bộ Y tế) để điều chỉnh thuốc từ nguồn BHYT sang thuốc viện trợ, nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị của bệnh nhân. Khi có thuốc viện trợ về, lại trả cho số thuốc đã vay từ nguồn BHYT.

Ở một số BV khác như Bệnh viện K, BV Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, cũng vẫn đảm bảo thuốc viện trợ Glivec cho bệnh nhân.

Thuốc Glivec rất quan trọng với bệnh nhân ung thư

Theo Ths. Vũ Đình Tiến - Trưởng khoa Dược (Bệnh viện K) thì nguồn thuốc do quỹ BYHT chi trả ở các BV vẫn còn nhiều, luôn luôn có đủ thuốc để cấp cho bệnh nhân theo đúng pháp đồ điều trị đã đưa ra. Chỉ có thiếu nguồn thuốc viện trợ, bắt đầu từ tháng 7-2017 do có sự thay đổi trong một số văn bản pháp luật, khiến Công ty tài trợ chưa kịp chuẩn bị, dẫn đến thuốc viện trợ không được nhập về đúng thời hạn với các BV.

Trước sự lo lắng của người bệnh, Chính phủ và Bộ Y tế đã lập tức có các giải pháp để đảm bảo nguồn cung thuốc cho bệnh nhân ung thư. Ngày 12-1-2018, Chính phủ đã có quyết nghị đồng ý cho bốn BV được tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ. Theo đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được tiếp nhận 247.440 viên (tương đương với 247.440 hộp); BV Chợ Rẫy 1.888 hộp, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh 1.603 hộp và BV Truyền máu-huyết học TP. Hồ Chí Minh 4.804 hộp.

Tại quyết nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và 4bệnh viện nói trên chịu trách nhiệm giám sát quá trình nhập khẩu, kiểm dịch, thử nghiệm chất lượng, thực hiện hậu kiểm lô thuốc; chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc khi sử dụng.

Ngày 16-1-2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và 4 viện/BV trên, đề nghị khẩn trương lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ Glivec để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẩn trương giải quyết hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ đối với các lô thuốc Glivec; giám sát việc nhập khẩu lô thuốc trên và tiến hành hậu kiểm khi đưa vào sử dụng.

Đối với thuốc có hạn dùng còn lại dưới 12 tháng, Cục Quản lý Dược đồng ý để các BV được tiếp nhận sau khi Sở Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng cũng yêu cầu các BV phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc và chỉ đưa vào sử dụng những thuốc còn hạn dùng và đảm bảo chất lượng.

Các BV phải có kế hoạch sử dụng và điều chuyển giữa các đơn vị tham gia Chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho người bệnh có thẻ BHYT giai đoạn 2015-2019 đã được Bộ Y tế phê duyệt, tránh để thuốc hết hạn sử dụng gây lãng phí

DS. Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cho biết, BV này đã nhận được công văn từ Novartis thông báo Chính phủ đã đồng ý cho BV cùng với 3 đơn vị khác là Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận lô thuốc điều trị bệnh ung thư máu do Novartis viện trợ. Việc này sẽ giúp ổn định vấn đề thuốc để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu tại các BV. Vì vậy, có thể trong tuần này sẽ có thuốc về đến các BV.

TS. Bạch Quốc Khánh cũng xác nhận việc Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương đã nhận được văn bản thông báo về việc Chính phủ đã phê duyệt tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec do Cty Novartis Pharma Service AG – Thụy Sĩ cung cấp nên Viện đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận nguồn thuốc viện trợ.

Thanh Hằng
.
.
.