Xử lý triệt để, không để phát tán bệnh não mô cầu

Thứ Hai, 16/03/2015, 16:09
Ngày 16/3, Bộ Y tế (BYT) đã có Công văn gửi tới Y tế dự phòng và các cơ sở y tế địa phương về “hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu”, sau sự việc 1 ca bệnh tại TP Hồ Chí Minh tử vong do căn bệnh này vào ngày 8/3.

Trước đó, bệnh nhân N.T.N.T., 23 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức đang mang thai ba tháng, nhập Bệnh viện(BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao, buồn nôn... Mặc dù đã được hồi sức và điều trị tích cực, song do bệnh tình quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong. Kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Y tế quận Thủ Đức cho thấy, bệnh nhân bị viêm màng não mô cầu type B.

Bộ Y tế cho biết, bệnh do não mô cầu được xác định, là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Tỉ lệ có khoảng 5-10% dân số mang mầm bệnh.

Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc-xin. Trong đó, các thể lâm sàng cần chú ý: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tâm thần, điếc, liệt (khoảng  10-20% trong các ca bệnh). Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu bằng tiêm phòng vắc xin.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.

Đáng chú ý, trong cộng đồng, tỷ lệ người lành mang trùng( vi khuẩn ở vùng mũi, hầu, họng) chiếm từ 5% - 25%. Và bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn.

Theo đó, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi có các triệu chứng: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.

Theo chỉ đạo của Bộ y tế, các BV, cơ sở y tế khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh, có nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm gửi tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, hoặc Viện Pasteur xét nghiệm. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ về vật tư, hóa chất dự phòng nếu có dịch xảy ra, phải tiến hành xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh tán phát, hay ổ dịch. Quản lý, và điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân sớm tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong. 

Để phòng chống bệnh, người dân cần thực hiện triệt để các biện pháp sau: Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế; Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

H.Nga
.
.
.