Xây dựng quy trình cách ly thu phí với người nhập cảnh có nguyện vọng
Chiều 4/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội đã giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 19/8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Từ ngày 31/8 đến ngày 4/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR cho 502 trường hợp và cho kết quả âm tính. Ngoài ra, các bệnh viện đã khám sàng lọc 1.849 bệnh nhân và xét nghiệm PCR cho 1.611 người, kết quả có 3 bệnh nhân dương tính (BN812, BN867, BN962), còn lại âm tính.
Hiện các bệnh viện còn cách ly điều trị 64 bệnh nhân nghi ngờ. Sở Y tế cũng đã tiếp tục kiểm tra công tác phòng dịch ở các cơ sở y tế. Kết quả đã có 78/81 bệnh viện đạt mức an toàn (96%). Chỉ còn 1 bệnh viện an toàn ở mức thấp là Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 và Sở đã yêu cầu bệnh viện này phải khắc phục trong 1 tuần. Còn 2 cơ sở y tế không đảm bảo an toàn vẫn phải dừng hoạt động là Bệnh viện mắt Hightech và Bệnh viện Mắt Sài Gòn.
Các bệnh nhân được xuất viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. |
Ông Hạnh cũng lo ngại: "Các đơn vị cần quyết liệt không để dịch chồng dịch. Hiện nay đang có bệnh sốt xuất huyết. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, người dân khi mắc sốt xuất huyết sẽ có tâm lý ngại đến bệnh viện do đó dẫn đến không được điều trị kịp thời là rất nguy hiểm".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, “Hà Nội đã qua 16 ngày không có ca mắc mới, còn 12 ngày nữa nếu tiếp tục không có ca nhiễm mới thì theo quy định TP sẽ hết dịch”. Ông Quý cũng lưu ý tất cả bệnh viện của TP phải khắc phục hết các thiếu sót, đảm bảo 100% bệnh viện phải an toàn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đánh giá của Bộ Y tế cho rằng vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng, còn nguy cơ xuất hiện ca nhiễm mới và khẳng định: “Chúng ta phải xác định tinh thần phòng, chống dịch lâu dài cho đến khi có vaccine, theo tinh thần vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả”.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị tiếp tục công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; Chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý ngay trong 24 giờ khi có ổ dịch xuất hiện; Tiếp tục kiểm tra các bệnh viện; Quản lý chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày…
Ông Quý cũng cho biết, TP đã giao Sở Y tế xây dựng quy trình với người Việt Nam nhập cảnh có nhu cầu cách ly thu phí. Cách làm cụ thể là khi nhập cảnh, các trường hợp này sẽ được đưa về cách ly tập trung xét nghiệm ngay, nếu dương tính thì chuyển cơ sở điều trị. Với các trường hợp âm tính, tùy theo nguyện vọng, họ sẽ đăng ký và TP sẽ giải quyết. Với người nước ngoài nhập cảnh dưới 14 ngày, TP sẽ lựa chọn các khách sạn đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế; Có nơi gặp gỡ, ký kết hợp đồng nhưng đảm bảo phòng dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Sở Y tế đón 810 người làm việc sinh sống ở Đà Nẵng có nguyện vọng về Hà Nội theo tinh thần: “Trường hợp nào xét nghiệm âm tính đã qua 14 ngày thì khuyến cáo tiếp tục cách ly tại nhà. Với người chưa xét nghiệm thì cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi trong 14 ngày. Tất cả các trường hợp đều phải khai báo y tế”.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh TP giao Sở Văn hoá – Thể thao cùng Sở Y tế nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó xác định tinh thần phải sống chung với dịch.
Truy vết được hàng nghìn trường hợp nghi ngờ F1 và F2 qua ứng dụng Bluezone Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, tính đến ngày 4/9, đã có hơn 22,2 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone, top 5 địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone trên số điện thoại thông minh cao nhất là Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh và Quảng Nam. Trong đó, Hải Dương là địa phương mà Bluezone truy vết được nhiều người tiếp xúc gần nhất với hơn 1.000 trường hợp, chiếm trên 50% tổng số lượng truy vết được. Đặc biệt, tính từ ngày 12/8 đến hết ngày 31/8, từ 39 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có cài Bluezone, hệ thống đã truy vết được 1.891 người nghi nhiễm (F1) và người nghi tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2) để bổ sung cho danh sách truy vết truyền thống bằng biện pháp điều tra dịch tễ. Cũng theo Cục Tin học hóa, tỷ lệ số lượng bệnh nhân COVID-19 có cài và sử dụng Bluezone chiếm khoảng 24% tổng số bệnh nhân COVID-19 mới phát hiện. Tỷ lệ này cũng phù hợp với tỷ lệ người cài đặt Bluezone hiện nay mới chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Nếu số lượng bệnh nhân có cài và sử dụng Bluezone tăng lên thì số lượng truy vết được chắc chắn sẽ nhiều hơn, công tác truy vết sẽ càng hiệu quả, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ được giảm đi. (Hùng Quân) Quảng Nam có thêm 13 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện Sáng 4/9, các bệnh viện (BV) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã công bố chữa khỏi COVID-19 và cho xuất viện 13 bệnh nhân (BN); trong đó, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam có 7 BN; BV Đa khoa khu vực Quảng Nam có 6 BN. Các BN đã được lấy mẫu xét nghiệm 4 lần đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, tình trạng sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, BN xuất viện về phải cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi y tế và cho làm xét nghiệm thêm 2 lần nữa trước khi hòa nhập cộng đồng. Đến nay, Quảng Nam đã qua 18 ngày không có ca mắc COVID-19 mới, kể từ ca bệnh tại cộng đồng cuối cùng được ghi nhận vào ngày 18/8. (N.Thi) |