Nhiều bệnh nhân tiểu đường biến chứng nặng nghi uống... "thần dược"

Thứ Hai, 05/03/2018, 21:25
Chiều 5-3, Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ đã làm việc với Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ xác minh, ghi nhận hồ sơ bệnh án đối với các ca đang điều trị tiểu đường phản ánh sử dụng thuốc đông dược trôi nổi dẫn đến biến chứng nặng.

"Có người không thể cứu được và đã tử vong”, bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực chống độc nói và cho biết: bệnh viện đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhân.

Theo người nhà cho biết, trong thời gian dài các bệnh nhân điều trị bệnh bằng thuốc đông dược hạ đường huyết (người dân hay gọi là thuốc Tàu hoặc thuốc tể). Dạng viên tròn có màu xanh, đỏ hoặc xám. Khi uống vào thì đường trong cơ thể giảm nhưng đến bệnh viện bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh nhân đã suy đa tạng.

Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ xác minh thông tin, hồ sơ về các bệnh nhân tại bệnh viện.

Bác sĩ Phan Thị Phụng đã trao đổi với đồng nghiệp tại An Giang cũng đã xảy ra tình trạng này. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có đặc điểm chung là uống loại thuốc nói trên và được nhập từ Trung Quốc.

Ông Trần Trường Chinh, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, hàng năm đều có kế hoạch kiểm tra, tập huấn cho các cơ sở. Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh quá lớn (khoảng 1.000 cơ sở) nên không thể kiểm tra hết.

Ngành chức năng kiểm tra, tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược tại cơ sở ở phường Phước Thới.

Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trôi nổi, bài thuốc dân gian truyền miệng. Người này uống thấy có tác dụng giới thiệu cho người kia hoặc cho rằng loại thuốc này hiệu quả đã truyền tay nhau, mua về bán lại và ngộ nhận đây là “thần dược” trị được các loại bệnh nhưng không rõ nguồn gốc, tác hại.

Từ thông tin của bệnh viện phản ánh, nhiều trường hợp bệnh nhân mua thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, Đoàn kiểm tra hành nghề Y dược quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã kiểm tra, tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ và hoá đơn chứng từ tại cơ sở bán thuốc đông dược trên địa bàn. Cơ sở này không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động. 

Đại diện cơ sở, bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi) không có chứng chỉ hành nghề và thừa nhận mua số thuốc này tại An Giang, chuyên trị bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi.

“Việc các bệnh nhân bị biến chứng do uống thuốc điều trị tại cơ sở ở Ô Môn hoặc các loại thuốc đông dược khác không rõ nguồn gốc thì lực lượng Thanh tra sẽ xác minh làm rõ”, ông Trần Trường Chinh, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay. Trường hợp tại Ô Môn không phải cơ sở kinh doanh vì không có giấy phép hoạt động và không đủ điều kiện hoạt động. Qua kiểm tra đã phát hiện các sai phạm, lập biên bản và tuỳ mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định.

Như Anh
.
.
.