2 năm thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ:

Vẫn nhiều vi phạm về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ

Thứ Ba, 05/07/2016, 18:10
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, việc vi phạm Qui định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ của các đơn vị vẫn diễn ra khá phổ biến. Đây là đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế ATNI trong hội thảo về vấn đề này do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-7, tại Hà Nội

Việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ có lợi không chỉ về kinh tế cho người mẹ, mà còn cho sự phát triển tương lai của trẻ, khi ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong sơ sinh và bảo vệ trẻ suốt đời, cung cấp nguồn kháng thể mạnh mẽ cho trẻ, giảm mức độ ốm đau, nhu cầu sử dụng kháng sinh, điều trị, và các loại thuốc khác… Thế nhưng, theo khảo sát mới nhất, bất chấp những khuyến khích của WHO về việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng như qui định của Chính phủ, nhiều hãng sản xuất và kinh doanh sản phẩm thay thế sữa mẹ (SPTTSM) ở Việt Nam vẫn cố tình vi phạm.

Qui định không cho phép nhưng một số bệnh viện vẫn có hội nghị với các bác sĩ do hãng sữa tài trợ với nhiều quảng cáo, băng-rôn của sản phẩm sữa. Thậm chí, có cả hiện tượng bán sữa bên ngoài phòng y tá trưởng, hay quảng cáo trên bìa sổ khám sức khỏe và cho phép công ty sữa tặng quà ngay trong bệnh viện cho bà mẹ sinh tư.

Không khuyến khích nuôi con bằng sản phẩm thay thế sữa mẹ

Một đại diện của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, việc thanh tra một số bệnh viện  trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều hãng sữa có cả danh sách lẫn số điện thoại của các bà mẹ để tiếp cận quảng cáo sản phẩm từ khi mang bầu đến khi sinh con. Mà, đây là điều bị cấm. 

Có gần chục nhãn hàng vào tận các BV để tiếp cận quảng bá SPTTSM với các nhân viên y tế, dù điều này bị cấm. Khoảng 10% phụ nữ được hỏi cho biết họ nhận được các mẫu SPTTSM miễn phí từ các công ty từ khi họ mang bầu hoặc khi sinh con, tập trung vào 10 tên sản phẩm.

Mặc dù luật không cho phép nhân viên hãng SPTTSM tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ, nhưng có khoảng 6% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ được đại diện công ty giới thiệu về SPTTSM. Đặc biệt, một số phụ nữ cho biết họ được nhân viên y tế  trao đổi về việc sử dụng các SPTTSM hoặc nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm cụ thể. Có tới 8,5% phụ nữ cho biết nhận được mẫu sản phẩm và quà tặng chủ yếu là từ nhân viên y tế. Các công ty được nhắc tới nhiều nhất là Abbott, Nestlé và Friesland Campina.

Vi phạm của các SPTTSM phổ biến là không có hướng dẫn pha chế đúng cách và các tác hại về sức khỏe nếu cách pha chế không đúng cách; có hình ảnh minh họa lý tưởng hóa việc sử dụng sản phẩm người phụ nữ.

Nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra, Việt Nam có nhiều SPTTSM hơn, nhiều công ty tiếp thị các SPTTSM hơn, gồm cả các công ty nội địa lẫn nước ngoài. Trong số 6 công ty được đánh giá, tới 80% vi phạm liên quan tới sữa dành cho trẻ đang tăng trưởng, trong khi có khoảng 8% là các vi phạm liên quan tới sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng và 6% liên quan tới sữa cho trẻ trên 6 tháng. Các vi phạm ở sản phẩm ăn bổ sung là dưới 2%.

Nuôi con bằng sữa mẹ (ảnh: Thùy Linh)

Để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, các chuyên gia cho rằng, các công ty sữa cần chấm dứt cử đại diện liên hệ với khách hàng, cũng như củng cố các chính sách, bít lại lỗ hổng đã làm tăng vi phạm như quy định về khuyến mại các sản phẩm, hay thay đổi nhãn mác và bao bì để phân biệt được sản phẩm cho từng lứa tuổi. Những ý kiến tại hội thảo cũng khiến các cơ sở y tế phải chấn chỉnh lại vi phạm của nhân viên, đồng thời, tăng cường tư vấn cho phụ nữ mang thai về nuôi con bằng sữa mẹ thay vì sử dụng các SPTTSM.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, những ý kiến tại hội thảo lần này sẽ là những cảnh báo cần thiết cho các nhà quản lý, nhà chuyên môn trong việc hoạch định chính sách.


Thanh Hằng
.
.
.