PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Vaccine tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn và miễn phí

Thứ Năm, 12/03/2015, 09:49
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đang cung ứng miễn phí 12 loại vaccine cơ bản và lúc nào cũng có đủ lượng vaccine để cung cấp cho các địa phương. Tất cả các loại vaccine được cấp phép sử dụng, dù là do Việt Nam sản xuất hay nhập ngoại, đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, chất lượng và phải bảo đảm an toàn khi sử dụng,

Những ngày này, tình trạng thiếu vaccine tiêm phòng cho trẻ như vaccine Pentaxim (5 trong 1) và vaccine Infanrix Hexa (6 trong 1), lại diễn ra, khiến các phụ huynh hết sức lo lắng. Tại các điểm tiêm dịch vụ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lại diễn ra cảnh xếp hàng, chờ đợi nhiều tiếng để tiêm cho trẻ, thậm chí, nhiều người chưa biết có còn thuốc khi đến lượt mình không.

Nhưng, có phải thực sự các phụ huynh “vô vọng” khi thiếu vaccine dịch vụ như những gì dư luận ồn ào những ngày qua? Cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng sẽ giúp các bậc phụ huynh những giải pháp cần thiết.

+ Thưa ông, việc các điểm tiêm vaccine dịch vụ nóng lên nhiều ngày qua, có phần do nhiều người lo ngại chất lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), như một số tai biến sau khi tiêm vaccine Quinvaxem trước đây. Ông có ý kiến gì về việc này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong thời gian qua, một số trường hợp trẻ bị mắc bệnh ho gà phải nhập viện là do các bậc cha mẹ chờ đợi vaccine dịch vụ 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mà không cho trẻ đi tiêm vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib lúc trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi do nghi ngờ chất lượng của vaccine Quinvaxem, tuy nhiên vaccine Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá và kết luận là không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan tới việc sử dụng  vaccine này, vaccine Quinvaxem đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Tương tự như vậy, vaccine phối hợp phòng bệnh sởi - rubella hiện đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc cho khoảng 23 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và đã được WHO thẩm định tính an toàn từ năm 2000, nên người dân hoàn toàn yên tâm. Tính đến nay, có khoảng 40 quốc gia sử dụng vaccine này.

Hiện chương trình TCMR đang cung ứng miễn phí 12 loại vaccine cơ bản và lúc nào cũng có đủ lượng vaccine để cung cấp cho các địa phương. Tất cả các loại vaccine được cấp phép sử dụng, dù là do Việt Nam sản xuất hay nhập ngoại, đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, chất lượng và phải bảo đảm an toàn khi sử dụng, cụ thể là các lô vaccine phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Tôi xin nhấn mạnh: Vaccine miễn phí chất lượng tốt, an toàn và luôn đầy đủ.

+ Việc các điểm tiêm chủng thiếu vaccine dịch vụ, khiến nhiều trẻ sẽ bị lỡ lịch tiêm, có ảnh hưởng đến kết quả phòng bệnh không thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chắc chắn là có ảnh hưởng khi thời gian chưa được tiêm phòng khiến trẻ rất dễ mắc nhiều loại bệnh. Chỉ cần chờ đợi một, hai tháng, trẻ cũng có thể mắc bệnh khi chưa được tiêm vaccine, nhất là với thời tiết cũng như khí hậu tại Việt Nam rất dễ lây bệnh, trẻ sẽ không có sức đề kháng và dễ nhiễm bệnh.

Lúc đó, sẽ rất nguy hiểm vì hiện nay nhiều loại bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có vaccine phòng bệnh nhất là những bệnh do virus. Vì thế, người dân nên cho con em tiêm chủng khi đến đủ độ tuổi và theo đúng lịch, chứ không nên chờ đợi vaccine dịch vụ vì có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh khi trẻ bị trễ lịch tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tình trạng thiếu chỉ xảy ra ở một số loại vaccine dịch vụ. Còn vaccine trong chương trình TCMR được cung ứng miễn phí, đảm bảo chất lượng và đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trên mọi miền Tổ quốc. Điều quan trọng là các vaccine của chương trình TCMR có khả năng phòng bệnh giống như vaccine dịch vụ. 

+ Đã nhiều lần diễn ra tình trạng cung ứng vaccine dịch vụ nhỏ giọt, nhiều lúc không còn vaccine, trong khi, đây đang ở thời điểm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành. Việc thiếu vaccine dịch vụ có được khắc phục trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nguyên nhân của sự khan hiếm là do các nhà sản xuất không cung ứng đủ do có sự thay đổi địa điểm sản xuất, thay đổi công nghệ, có lô vaccine trong quá trình sản xuất bị hỏng phải chờ thời gian sản xuất thay thế… Năm 2015, vaccine Hexa-infarix "6 trong 1" chỉ có 30.000 liều, “5 trong 1” Pentaxim chỉ có khoảng 250.000 liều. Số lượng như vậy chỉ tiêm được cho 100.000 trẻ trong khi tổng số trẻ em Việt Nam ra đời hằng năm là 1,6 triệu trẻ và số trẻ này phải được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch.

Trên thực tế trong những năm qua, số lượng trẻ tiêm vaccine dịch vụ cũng rất ít so với TCMR (năm 2014 cũng chỉ có khoảng 200.000 trẻ tiêm dịch vụ, còn lại khoảng 1,5 triệu trẻ em là tiêm vaccine Quinvaxem thuộc chương trình TCMR). Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine trong chương trình TCMR nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho con em mình, để phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế đang nghiên cứu và tiếp tục đề xuất với Chính phủ để đưa thêm một số vaccine vào chương trình TCMR như vaccine phòng bệnh bại liệt dạng tiêm, phòng bệnh do phế cầu, phòng bệnh ỉa chảy... tiến tới chương trình TCMR sẽ bao phủ hầu hết các bệnh gây tử vong trên trẻ em có thể ngăn ngừa bằng vaccine. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thực hiện tốt việc dự trù, đặt hàng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các bộ/ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền toàn diện về tiêm chủng, để nâng cao nhận thức của người dân và kịp thời thông tin về các vaccine, tránh tình trạng người dân đột ngột bỏ tiêm rồi lại đổ xô đi tiêm vào cùng một thời điểm, tạo nên việc thiếu vaccine cục bộ, gây nên những nguy cơ cho dịch bệnh phát triển.

Bên cạnh tiêm vaccine, các bà mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ; tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo lịch trong chương trình TCMR. Tôi xin nhấn mạnh: Cả TCMR và tiêm chủng dịch vụ đều được ngành y tế khuyến khích để đảm bảo trẻ em trong độ tuổi có khả năng tiếp cận cao nhất đối với vaccine phòng bệnh.

+ Cảm ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.