Tử vong do bệnh dại: Phòng tránh được khi tiêm phòng đầy đủ

Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:31
Hai năm sau ngày bị chó cắn, người đàn ông 45 tuổi ở Cà Mau mới phát bệnh dại và tử vong; 1 tháng sau khi bị chó cắn, cháu bé 5 tuổi ở Đắk Lắk mới xuất hiện triệu chứng của bệnh dại nhưng không còn kịp… 100 ca bệnh lên cơn dại đều vô phương cứu chữa.


Bệnh dại gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm ở nước ta, với khoảng 100 ca tử vong mỗi năm. Dù được cảnh báo và tuyên truyền nhiều, nhưng ý thức phòng chống bệnh dại của người dân vẫn chưa cao.

Thế giới đã chọn ngày 28-9 hằng năm là ngày “Thế giới phòng chống bệnh dại”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng chống bệnh.

Những cái chết từ sự chủ quan

Hai ca tử vong vì bệnh dại mới đây nhất đều do người bị chó cắn không tiêm vắc xin phòng dại. Ngày 21-9, bé YZô Ên Adrơng (5 tuổi, trú tại buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có triệu chứng sốt nhẹ, ho, yếu hai chi dưới đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột thăm khám.

Ngày 15-9, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, cháu bé xuất hiện thêm các triệu chứng tăng tiết đờm dãi, sợ gió, sợ nước, đồng tử giãn nhẹ…

Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh dại lên cơn, tiên lượng rất nặng. Ngày 16-9, cháu bé đã tử vong trên đường chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Theo gia đình bệnh nhi cho biết, cháu bé bị chó cắn cách ngày phát bệnh khoảng 1 tháng, nhưng người nhà không đưa cháu đi tiêm phòng dại.

Tiêm phòng cho chó để ngăn ngừa bệnh dại.

Một ngày sau đó (17-9), bệnh nhân N.Đ.S (47 tuổi, ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cũng tử vong vì bệnh dại. Theo thông tin từ gia đình, khoảng 2 năm trước, anh S. bị chó nhà hàng xóm tấn công gây thương tích và không được tiêm phòng vắc xin.

Gần đây anh có triệu chứng nôn, co giật, sốt cao, sợ ánh sáng, khi tới Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thì đã muộn. Anh S. cũng tử vong vì bệnh dại khi trên đường chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, cách khai giảng năm học mới 2 ngày, em Lương Thái S. (12 tuổi, ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng lên cơn dại và tử vong. Em S. bị chó cắn nhưng không tiêm phòng, vài tháng sau mới phát bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, hai năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 8 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm phòng. Một số trường hợp là trẻ em, bị chó cắn không báo cho bố mẹ biết.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 7 tháng đầu năm 2019, cả nước có 46 người tử vong vì bệnh dại ở 24 tỉnh, thành phố. Phía Bắc vẫn là khu vực trọng điểm về bệnh dại, chiếm khoảng 80% số ca tử vong do bệnh dại của cả nước.

Nguyên nhân khiến tử vong vì bệnh dại vẫn còn cao vì 70% người dân chủ quan nghĩ chó nhà nuôi hoặc chó của hàng xóm nên không tiêm vắc xin phòng dại. Hơn nữa, giá vắc xin phòng dại vẫn cao so với thu nhập của một bộ phận người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa nên họ không có điều kiện tiếp cận.

Theo TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ), trung bình tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/người, cộng với chi phí đi lại, ăn ở của người ở nơi xa tới huyện tiêm lên khoảng 6 triệu đồng/người.

Phòng bệnh là quan trọng

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo được Cục Thú y và cơ quan Thú y các địa phương triển khai, song theo Viện VSDTTƯ, tỷ lệ tiêm phòng dại ở nước ta vẫn còn thấp (51%), chưa đạt ngưỡng khống chế.

Qua khảo sát tại cộng đồng của Viện VSDTTƯ, tổng số đàn chó nuôi trên cả nước khoảng 8 đến 10 triệu con, nhưng chỉ có 3-5% chó được nuôi nhốt, còn lại thả rông và không rọ mõm khi ra đường, tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý người nuôi chó thả rông không rọ mõm còn quá yếu, khiến chó cắn người liên tiếp xảy ra.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, toàn thành phố Hà Nội hiện có 49.000 con chó, mèo.

Tuy nhiên, việc quản lý chó nuôi nhốt hiện chưa được thực hiện đúng quy định, như việc lập sổ sách theo dõi chưa đảm bảo, còn để chó thả rông ở nơi công cộng, nhất là khu vực nông thôn.

Trong khi đó, việc tiêm phòng vắc xin phòng dại cho đàn chó chưa được thực hiện triệt để, là nguy cơ rất lớn gây bùng phát bệnh dại. Thống kê trong 4 năm (từ 2015-2018), Hà Nội có 8 trường hợp tử vong vì bệnh dại, các trường hợp này đều không tiêm phòng vắc xin dại sau khi bị chó cắn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 50.000 – 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và hiện số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao, với khoảng 100 ca trong một năm. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, để ngăn chặn bệnh dại, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo để tạo miễn dịch. Đặc biệt, không thả rông vật nuôi, phải đeo rọ mõm mỗi khi cho vật nuôi ra đường.

Phải khai báo với chính quyền địa phương về việc nuôi chó và mạng lưới thú y cơ sở phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Tại buổi mít tinh ngày “Thế giới phòng chống bệnh dại” năm 2019 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vào sáng 25-9 về giải pháp phòng chống bệnh dại, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội cần duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo đạt trên 90% tổng đàn.

Tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được khi xử trí đúng và tiêm phòng đầy đủ. Vì vậy, người dân bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế khám để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam, không chữa thầy lang.

Thiết nghĩ, để Việt Nam thực hiện cam kết là quốc gia đầu mối trong phòng chống bệnh dại khu vực ASEAN, mục tiêu giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh dại trên người vào năm 2021, cần có sự cam kết và vào cuộc mạnh của các cấp chính quyền với sự phân bổ nguồn lực thích hợp cho phòng chống bệnh dại trên người.


Trần Hằng
.
.
.