Từ tháng 7-2016, sử dụng vắc xin bại liệt trong tiêm chủng mở rộng quốc gia
Tại Việt Nam, vắc xin bại liệt uống đã được sử dụng trong suốt hơn 30 năm và kết quả cho thấy vắc xin tOPV là rất an toàn. Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắc xin bị bại liệt do vi rút vắc xin tái độc lực, chủ yếu là thành phần vi rút bại liệt type 2 trong vắc xin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vắc xin được sử dụng). Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần vi rút bại liệt type 2 ra khỏi vắc xin tOPV…
Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến bắt đầu từ tháng 5.2016 sẽ cho trẻ uống 3 liều vắc xin bOPV khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc xin Quinvaxem và tiêm 1 liều vắc xin bại liệt (IPV) khi trẻ được 5 tháng tuổi (bắt đầu từ tháng 9.2016). Trường hợp trẻ đã uống 1, hoặc 2 hoặc 3 liều vắc xin bOPV từ tháng 5 đến tháng 9.2016 sẽ được tiêm bù 1 mũi vắc xin IPV để đảm bảo có miễn dịch đối với vi rút bại liệt type 2.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ, việc này là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Chiến lược “Kết thúc và thanh toán bệnh bại liệt trong giai đoạn 2013 - 2018” của Tổ chức Y tế thế giới, duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt của Việt Nam.