Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5:

Từ bỏ thuốc lá – góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

Chủ Nhật, 31/05/2015, 09:07
Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết thi hành Luật PCTHTL, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh thuốc lá, nghiêm cấm bán thuốc lá tại các khu vực công sở, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nhà thi đấu thể thao và các nơi công cộng khác.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp xử phạt về hành vi vi phạm địa điểm cấm hút thuốc lá, bán thuốc lá, ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, cai nghiện… với mức phạt từ cảnh cáo, phạt tiền 100.000 đồng đến 40 triệu đồng.

Ở góc nhìn nhân văn, Luật PCTHTL và các văn bản pháp luật khác là một chính sách lớn, giải quyết vấn đề có tính truyền thống, tác động đến an sinh xã hội, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng, cần được tuyên truyền giáo dục sâu rộng để tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động, hướng tới mục tiêu hạn chế hút thuốc lá đang ở mức báo động.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay trung bình mỗi ngày trên thế giới có 10.000 người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người hút thuốc lá cao, gần một nửa nam giới hút thuốc lá, trong đó 65% ở độ tuổi từ 25 đến 45, đó là chưa tính đến phụ nữ và trẻ em phải chịu ảnh hưởng khói thuốc lá. Cảnh báo số người chết do sử dụng thuốc lá đến năm 2020 sẽ nhiều hơn do có HIV/AIDS, bệnh lao, tai nạn giao thông và tự tử. Hơn 4.000 hóa chất có trong khói thuốc lá, trong đó có 40 chất xếp vào loại gây bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, ung thư như: benzopyrene, nicotine…

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông và phải mất khoảng 2.300 tỷ đồng chi phí khám, điều trị bệnh do thuốc lá gây ra. Đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm giải pháp PCTHTL như Tổ chức WHO, Rockefeller, Tổ chức Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam (IDE)…

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu giảm thuốc lá nhóm đối tượng thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020, nam giới từ 47,4% xuống 39% năm 2020, nữ giới xuống dưới 1,4% năm 2020. Mặt khác, để giảm thiểu sức mua thuốc lá, ngày 26/11/2014 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó mức thuế thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá tăng từ 65% lên 70% trong 3 năm 2016-2019 và tăng 75% từ năm 2019.

Để Luật PCTHTL và các văn bản pháp luật khác có liên quan thật sự đi vào cuộc sống, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sâu rộng, các cơ quan chức trách cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL. Với mỗi người dân, từ bỏ thuốc lá không chỉ là một lối sống văn hóa cần được trân trọng, mà còn là một giải pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đi bộ vì môi trường không khói thuốc

Sáng 30/5 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá. Tham gia buổi mít tinh có lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cùng 800 học sinh, sinh viên, người dân và 100 xe đạp đã diễu hành trên các tuyến đường của TP Hồ Chí Minh vì một môi trường không khói thuốc lá.

Lãnh đạo Bộ Y tế tham gia đi bộ cùng người dân TP HCM trong sáng 30/5.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá nhằm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các hậu quả về sức khỏe, môi trường và kinh tế của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã được nâng cao: 95% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc, hành vi hút thuốc lá không còn là hành vi phổ biến và được chấp nhận như trước.

Ngoài ra, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh: 12/22 Bộ - ngành, tổ chức chính trị xã hội; 40/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo điều tra năm 2014, tỉ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 13 đến 15 giảm đã 3,3% so với năm 2007.

Tiến sĩ Gabit Ismailov, Phó trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, nếu thực hiện đầy đủ Luật kiểm soát thuốc lá và thực hiện tăng thuế thuốc lá lên gấp đôi thì có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam.

H.Nga

Hữu Toàn
.
.
.