Tiết canh vẫn bán, vẫn ăn
Cái chết của một bệnh nhân ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa do ăn tiết canh lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn trong động vật.
Từ Tết nguyên đán đến nay, đã có 2 ca tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn và nhiều người phải nằm điều trị với hậu quả khôn lường. Tiết canh là nguyên nhân số 1 gây nhiễm liên cầu khuẩn lợn, thế nhưng món ăn sống này vẫn có mặt trên thị trường, trong các cuộc liên hoan. Đặc biệt, trước tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát tại Trung Quốc thì tiết canh vịt, ngan vẫn bán và được tiêu thụ rộng rãi.
Quán ngan nổi tiếng trên phố Nguyễn Du (Hà Nội) trong “cơn bão” dịch cúm gia cầm vẫn nhộn nhịp. Mặc dù gia cầm sống nhập lậu vẫn tuồn qua các tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng thực khách khi vào quán ngan này vẫn gọi tiết canh. Còn chủ quán dường như không quan tâm tới tâm dịch, mà hằng ngày vẫn đánh tiết canh bán cho thực khách.
Ngày 25-3, chúng tôi tới quán ngan này. Vừa hỏi: “Có tiết canh không?” thì chủ hàng gật đầu ngay, sau đó nhân viên vẫy chúng tôi vào. Tiết canh ngan là món ăn khoái khẩu đối với nhiều người khi vào quán này.
Một số khách thì cho rằng, tiết canh ngan mát, không sợ như ăn tiết canh lợn. Vì thế mà tiết canh ngan, vịt vẫn được tiêu thụ trong các quán nhậu. Thấy tôi tỏ ra lo ngại dịch cúm gia cầm, một thực khách cho rằng, dịch còn ở Trung Quốc, chưa vào Việt Nam nên cứ ăn “vô tư” đi.
Nhiều quán ngan, vịt ở Hà Nội vẫn bán tiết canh và khách hàng thì vô tư ăn. Ngay ở gia đình hay cuộc liên hoan thì việc ăn tiết canh cũng không ngoại lệ.
Ăn tiết canh trong một bữa liên hoan – thói quen cần phải từ bỏ. |
Nhiều gia đình mổ lợn làm cỗ hoặc chung nhau mua cả con lợn về giết, tiết thường được dùng để đánh tiết canh. Thói quen ăn tiết canh sống đã gây họa khi có nhiều người thiệt mạng và mang tật nặng nề khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Không chỉ tiết canh lợn mới nhiễm liên cầu khuẩn, mà mới đây Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân trú ở huyện Nga Sơn trong tình trạng đau đầu, sốt cao, buồn nôn, nôn, mệt mỏi do ăn tiết canh mà người nhà bệnh nhân cho biết là tiết canh dê.
Hai bệnh nhân này ăn tiết canh dê trong bữa cỗ liên hoan kỷ niệm hội lính, sau đó có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, gia đình đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện huyện Nga Sơn 5 ngày mới chuyển lên tuyến tỉnh. Tuy nhiên, một bệnh nhân chuyển biến quá nặng, gia đình đã xin về và tử vong tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 30 đến 100 ca cấp cứu liên quan đến liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh. Đa số bệnh nhân ăn tiết canh lợn sau 3 đến 5 ngày xuất hiện sốt cao, khi nhập viện có biểu hiện lơ mơ, đau đầu, xuất huyết dưới da.
Có bệnh nhân ở Nam Định ngày 30 Tết vừa qua ăn tiết canh sau khi gia đình mổ lợn, 2 ngày sau phải vào Bệnh viện Đa khoa Nam Định cấp cứu với triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, trên da xuất huyết ban rải rác. Do diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân được chẩn đoán là bị nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân này sau đó đã không qua khỏi.
Mặc dù nhiều ca tử vong do ăn tiết canh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nếu sống sót thì cũng phải chịu di chứng nặng nề, điều trị vô cùng tốn kém, nhưng cả người bán lẫn người mua đều “vô tư”.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì không chỉ lợn, mà con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa gen khuẩn liên cầu lợn. Mặc dù hiện chưa có ca cấp cứu vì ăn tiết canh ngan, vịt, nhưng cũng không thể chủ quan khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại Trung Quốc.
Thiết nghĩ, ngoài khuyến cáo người dân không ăn tiết canh thì cơ quan y tế phường, xã phải tăng cường kiểm tra các hàng quán bán mặt hàng này để xử lý nghiêm.