Tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tuyệt đối không chủ quan

Chủ Nhật, 13/06/2021, 18:07
Sự việc 53 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca vẫn mắc COVID-19 đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về hiệu lực bảo vệ của vaccine?

Trước đó, một số nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn mắc COVID-19 sau khi tiêm 1 đến 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Vaccine phòng COVID-19 là vaccine mới, quá trình nghiên cứu trong thời gian ngắn, đến nay khả năng bảo vệ của vaccine vẫn còn tiếp tục nghiên cứu.

Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là Thông điệp 5K của Bộ Y tế

Trên thế giới, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn mắc bệnh. Các chuyên gia cho rằng, dù tiêm cả 2 mũi nhưng vaccine cần có thời gian để phát huy tác dụng. Thời gian là bao lâu tùy thuộc vào từng loại vaccine. Nhưng lợi ích mà vaccine đem lại là nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn và giảm khả năng lây nhiễm cho người xung quanh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu chưa đầy đủ, tính sinh miễn dịch của vaccine AstraZeneca được khoảng 60-70%. Vaccine COVID-19 là vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không, vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. 

Tất cả vaccine phòng COVID-19 việc sản xuất đều gấp gáp, mới chỉ có 1 năm, nên chưa có thời gian để đánh giá rõ ràng được hiệu quả của vaccine trong phòng bệnh. Thông thường, sau tiêm vaccine khoảng 15 ngày là cơ thể bắt đầu có miễn dịch, tuy nhiên đây là vaccine mới nên cần thẩm định thêm. Hiện nay, chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối 100%. Trên thực tế có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ 90% nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch, tức là số phần trăm còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ hạn chế được tỷ lệ người mắc bệnh nặng hoặc nhập viện nếu không may bị nhiễm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng khẳng định, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100% mà vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc COVID-19 thì tỷ lệ phải nằm viện bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều.

Trong số 53 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2, có 52 người không có triệu chứng bệnh. Điều này phần nào chứng minh hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine. 

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện. 

Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COVID-19 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra, vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine. 

Vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Chính vì vậy, dù người được tiêm đủ cả 2 mũi vaccne vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đó là các biện pháp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.




Tr.Hằng
.
.
.