Thị trường tân dược trước “cơn sóng” hội nhập

Thứ Bảy, 01/07/2017, 10:13
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế là một trong những chỉ số giá tiêu dùng luôn được coi là dễ bị lên cơn "sốt" nhất trong đời sống hằng ngày. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 3-2017, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Tuy không có những đợt tăng chóng mặt với loại thuốc đặc trị đến hơn 700% như năm 2003-2004 khiến người bệnh điêu đứng. Song, theo các chuyên gia, khi những cam kết quốc tế như WTO, TPP thực hiện, thì từ doanh nghiệp (DN) cho đến nhà thuốc bán lẻ - OTC sẽ không tránh khỏi một "cơn bão" tác động rất lớn. Đó là điều cần thiết và phù hợp qui luật.

Bài1: Thuốc nội - thuốc ngoại, cuộc chiến không cân sức

“Thuốc nội” và “thuốc ngoại” là hai cụm từ được nhắc đến nhiều đối với thân nhân, người bệnh cũng như y bác sĩ. Cùng là thuốc nhưng chứa đựng quá nhiều điều khác biệt giữa chất lượng, độ hiếm, giá cả. Hình thành tại thị trường lên hai dòng sản phẩm với vị thế, đẳng cấp hoàn toàn khác nhau.

Thuốc nội nhọc nhằn tìm chỗ đứng

Đến tháng 5-2017, Việt Nam có 194 công ty trong nước đạt chuẩn WHO-GMP vào năm 2015. Mục tiêu ngành dược đặt ra là đến năm 2020, đảm bảo 100% nhu cầu thuốc cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc. Chất lượng thuốc sẽ được nâng cao với 40% thuốc generic đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE).

Theo một thống kê gần đây, tỷ lệ tiền mua thuốc nội của 1.018 bệnh viện trên toàn quốc là 38,7%. Trong đó, có một chi tiết rất đáng quan tâm, đó là trong khi các BV tuyến huyện dùng tới 61,5% số tiền để mua thuốc nội thì BV tuyến TW chỉ dùng 11,9%.

Tại một hội nghị về dược gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vẫn phải thừa nhận, trở ngại lớn nhất để mở rộng việc sử dụng thuốc nội chính là việc kê thuốc của bác sĩ và quyết định của bệnh nhân. Bởi nhiều bệnh nhân chưa tin tưởng vào chất lượng thuốc, nhiều bác sĩ cũng còn băn khoăn do sợ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, họ đưa ra chỉ định thuốc ngoại cho thấy bệnh nhân đạt hiệu quả hơn là khi chỉ định thuốc nội.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước vẫn đa phần tập trung ở dạng bào chế đơn giản, giá trị thấp và thiếu các loại thuốc đặc trị.

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các DN dược nội địa vẫn đang thua kém DN ngoại chủ yếu về năng lực sản xuất sản phẩm. Dù các DN trong nước có thế mạnh về mạng lưới phân phối, chi phí sản xuất thấp giúp giá cả cạnh tranh, nhưng năng lực sản xuất vẫn còn rất hạn chế, thể hiện ở trình độ sản xuất còn khá thấp.

Tuy có sản xuất thuốc generic, còn gọi là biệt dược gốc, nhưng chủ yếu trên cơ sở bằng sáng chế của nước ngoài. Tỷ lệ DN có bằng sáng chế thuốc generic đã được đăng ký hiện chưa đến 1% tổng số các DN trong ngành.

Thuốc ngoại: "chảnh"!

Khi PV Báo CAND đặt câu hỏi liên quan đến thuốc ngoại, vị giám đốc kinh doanh của một bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh đã trả lời gọn lỏn như vậy; đồng thời giải thích rằng, "chảnh" ở đây chính là giá cao lại khó mua! "Đắt hơn thì giá trị phải tốt hơn. Thực tế có những loại thuốc ngoại đắt hơn, thậm chí gấp 5 lần, 10 lần so với thuốc nội tương đương, tất cả phải được nhìn nhận ở góc độ đầu tư. Hãng dược đã bỏ tiền nghiên cứu để có công thức sản xuất thuốc và quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp sau khi đăng ký sẽ được Luật bảo vệ, đảm bảo để sản phẩm sinh lời cho đến khi hết thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ", vị này nói.

Hiện tại, kênh phân phối với những “ông trùm” thực sự như DKSH Holdings và Zuellig Pharma với doanh thu tổng cộng lên đến 15 tỷ USD. Nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới như Roche (Thụy Sĩ) và Sanofi (Pháp)… đều phải gửi gắm sản phẩm của mình qua những nhà phân phối chuyên nghiệp này. Có thể nói, với một sản phẩm cụ thể khi phân phối đến Việt Nam là không có chuyện cạnh tranh, dìm giá.

Qua kênh phân phối thì đa phần là thuốc "xịn" có đấu thầu nhà nước nên gần như đảm bảo đầu ra. Và cũng vì lý do đó, các nhà phân phối lớn ít mặn mà với các nhà thuốc nhỏ và bệnh viện tư. Họ vẫn bán nhưng sẽ bán với giá cao hơn bình thường… Đó cũng là chia sẻ “cay đắng” về cái sự “chảnh” của thuốc ngoại mà những bác sĩ cho biết.

Vào tháng 4 vừa qua, nhiều chuyên khoa Ung bướu thiếu trầm trọng một loại thuốc bệnh nhân có BHYT được thanh toán ít nhất 80% chi phí, do hết thuốc mà nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền túi để mua thuốc. Giải pháp thường được xử lý tình huống, đã được Bộ Y tế chấp thuận đó là các BV được quyền vay thuốc đặc trị của nhau.

Các BV Ung bướu Hà Nội, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh và một BV tuyến TW phải đặt vấn đề vay thuốc của BV K Trung ương. Tuy nhiên, dù BV K dự trữ đủ thuốc nhưng cũng chỉ dám giúp 2 trong số các BV được vay thuốc, còn BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh thì không thể đáp ứng. Được biết, loại thuốc này chỉ có một nhà sản xuất của Hàn Quốc tham gia đấu thầu, cung cấp.

Theo phản ánh với PV Báo CAND từ một số bệnh nhân đang điều trị bệnh nội tiết tố tại Bệnh viện Sản, phải dùng thuốc Femoston conti theo chỉ định của bác sĩ, dù giá đến 1,2 triệu đồng/vỉ, bệnh nhân sẵn sàng mua, nhưng hầu như tại các BV sản tại TP không mấy khi có.

Các bệnh nhân đều phải nhờ bác sĩ đặt mua từ công ty chính hãng nước ngoài, mà phải đặt hàng trước, có khi từ 15-20 ngày mới có hàng. Chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày bệnh nhân phải dùng 1 viên, không được phép bỏ. Vì vậy, để không bị dừng giữa chừng, ảnh hưởng tới qui trình điều trị, nhiều bệnh nhân đặt mua từ 3-5 vỉ phòng khi hàng khan hiếm, không có mà mua.

Hay, một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200 USD (hơn 4 triệu đồng), trong khi đã từ rất lâu, người bệnh vẫn đang phải mua với giá 14 triệu đồng.

Huyền Nga
.
.
.