"Thần dược" của nhiều bệnh hiểm nghèo

Thứ Hai, 16/05/2016, 19:57
Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, thời gian sống tưởng chỉ còn tính bằng ngày, nhưng số phận may mắn đã cho họ gặp được những người thầy thuốc tận tâm ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (HH-TM TW), để rồi, họ được ghép tế bào gốc và không chỉ được trả về với cuộc sống, mà còn lập gia đình, sinh con, tìm được hạnh phúc của đời. 


“Cải tử hoàn sinh”

Ghép tế bào gốc đã được coi là bước đột phá lớn trong y học nước nhà và trở thành một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012. Sau 10 năm, Viện HH-TM TW đã làm nên một kỳ tích với 200 ca ghép tế bào gốc thành công.

Cuộc họp mặt trong dịp tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc ở Viện HH-TM TW chiều 16-5 là một cuộc hội ngộ nhiều xúc cảm. Có người được ghép đã 8 năm, có người vừa mới được ghép vài tháng, nhưng đều khỏe mạnh với niềm lạc quan tràn đầy. Tất cả các bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công đều có chung niềm xúc động khi đã được “đổi đời” ở những thời khắc tưởng không còn tin rằng sẽ qua khỏi.

GS TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH-TM TW bên bệnh nhân ghép tế bào gốc chiều 16-5.
Ghép tế bào gốc cho bệnh nhân mắc bệnh nan y.

GS TS Nguyễn Anh Trí giới thiệu các kỹ thuật liên quan đến ghép tế bào gốc.

Bệnh nhân Trần Thế Thành (Hà Nội), bệnh nhân được ghép tế bào gốc năm 2007, nay hoàn toàn khỏe mạnh, chia sẻ trong niềm xúc động:

"Khi đó, tôi nằm bất động ở nhà, nửa tỉnh nửa mơ và khi đó không ai tin tôi có thể qua khỏi. Khi được điều trị ở Viện, tôi từng hỏi có khi nào tôi ngồi dậy được không và c bác sĩ bảo tùy thuộc vào tinh thần của tôi, vì nhiều bệnh nhân chỉ điều trị đến lần thứ 4 là đã đi lại được. Quả thật, đến lần điều trị thứ 4 thì tôi đã đi ra khỏi phòng bệnh".

Nếu nhìn vẻ ngoài khỏe mạnh của anh Vũ Quốc Kỳ (Ninh Bình), không ai nghĩ rằng, 6 năm trước, khi ở tuổi 17, anh đã tưởng chừng không qua khỏi bàn tay tử thần.

Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, anh bị chẩn đóan ung thư bạch cầu. Nhưng đến Viện HH-TM TW, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị suy tủy xương. Trong vòng gần một năm, anh liên tiếp phải truyền tới hơn 50 đơn vị máu, mỗi tháng 2 lần có mặt ở Viện.

Thế rồi, anh may mắn được ghép tế bào gốc. Chỉ sau gần 1 năm, anh đã không còn phải dùng thuốc, sức khỏe ổn định hoàn toàn, anh đã đi làm trở lại. Không chỉ thế, năm 2015, anh đã cưới vợ và khi anh lên dự cuộc họp mặt của Viện HH-TM TW, con gái anh đã vừa được 2 tháng tuổi. Khỏi nói hết niềm vui và niềm hạnh phúc của ông bố trẻ.

“Thần dược” của nhiều bệnh hiểm nghèo

Cột mốc 200 ca ghép sau 10 năm đánh dấu thành công quan trọng của Viện HH-TM TW trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, khi chứng minh rằng, với nhiều loại bệnh ác tính thì ghép tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi, trong khi các phương pháp khác thì không, hoặc ghép tế bào gốc hỗ trợ tích cực trong điều trị ung thư.

Gặp mặt những người được ghép tế bào gốc 10 năm qua ở Viện HH-TM TW.

Sau 10 năm tiến hành ghép, đối với ghép tự thân và đồng loài tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5-2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt trong nhóm ghép đồng loài các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao đạt 89,6% -GS TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH-TM TW chia sẻ.

Nhiều người đã ghép tế bào gốc được 5-8 năm đã đến dự cuộc gặp mặt hôm nay như anh Vũ Quốc Kỳ, bà Trần Thị Liên, chị Hoàng Diệu Thuần (Nghệ An) những con người may mắn có mặt tại cuộc gặp mặt 200 bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công ở Viện HH-TM TW trong 10 năm qua, đã cho thấy, ghép tế bào gốc thực sự là một “thần dược” và các thầy thuốc như GS. TS Nguyễn Anh Trí, như TS. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện HH-TM TW thực sự đã sinh ra họ lần thứ hai...  

Năm 2015, Viện HH-TM TW thành lập Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên trong cả nước, cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống. Viện HH-TM TW đã ký với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về việc hợp tác thu thập máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến. Viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2.400 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2.050 đơn vị máu dây rốn cộng đồng đảm bảo chất lượng, đã sàng lọc các tác nhân truyền nhiễm và bệnh lý di truyền.


Thanh Hằng
.
.
.