Tham gia bảo hiểm y tế để khống chế lây nhiễm HIV/AIDS

Chủ Nhật, 10/03/2019, 00:16
Hơn 10 năm qua, người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam được sử dụng thuốc kháng virus ARV miễn phí, mang lại lợi ích to lớn cho việc ức chế, ngăn chặn virus HIV, kéo dài tuổi thọ, ngăn ngừa lây lan ra cộng đồng.

Khi nguồn tài trợ thuốc ARV bị cắt giảm và chấm dứt, người bệnh lo lắng với khoản chi phí điều trị quá lớn, nguy cơ lây lan mạnh nếu không có thuốc ức chế. Từ 8-3-2019, người HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) đã mở ra “cánh cửa sống” với người bệnh.

Cơ hội kéo dài cuộc sống

Với nhiều người, tin vui này chẳng khác nào họ được sống lại lần hai, bởi nhiều gia đình lâm vào khánh kiệt khi có người mắc HIV/AIDS. Chị N.T.T (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết: “Nếu không được BHYT chi trả, chắc 3 mẹ con tôi không có cơ hội kéo dài tuổi thọ”.

Chị T là hộ nghèo ở địa phương, bị lây nhiễm HIV từ chồng nhưng không biết. Sau khi chồng chị bỗng dưng mắc bệnh nặng, đi xét nghiệm kết quả dương tính với HIV, chị mới tá hỏa đi làm xét nghiệm. Kết cục cay đắng là cả 3 mẹ con chị đều dương tính do lây nhiễm từ chồng.

Cán bộ y tế Trung tâm quận Nam Từ Liêm phát thuốc ARV từ nguồn BHYT cho người bệnh.

Chồng chị mất cách đây vài năm, cuộc sống của 3 mẹ con đã nghèo càng cùng quẫn hơn khi sự kỳ thị trong xã hội vẫn còn lớn. Gia đình chị chạy ăn từng bữa còn chưa đủ huống hồ bỏ tiền mua thuốc ARV là điều không tưởng. Chị vô cùng lo lắng nếu không có thuốc ARV sức khỏe của 3 mẹ con sẽ nhanh chóng sa sút. Nhưng được BHYT chi trả, chị rất đỗi vui mừng, coi như mình được sống thêm lần nữa.

Chúng tôi gặp anh B.M.H (47 tuổi) ở Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vào sáng 8-3, anh là những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Chia sẻ với chúng tôi, anh rất vui cho biết: “Nếu không có bảo hiểm chi trả, mỗi tháng phải bỏ ra vài triệu tiền thuốc là điều quá sức với gia đình tôi”. Anh H bị nhiễm HIV do sinh hoạt không an toàn, đến nay đã được 11 năm. Khi phát hiện mình bị bệnh, anh đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho vợ con và những người trong gia đình.

11 năm qua anh điều trị thuốc ARV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, sức khỏe của anh bình thường. “Tôi rất vui khi biết Hà Nội đã quyết định đồng chi trả chi phí BHYT cho người bệnh HIV/AIDS. Đây chính là cứu cánh với người bệnh chúng tôi” – anh H nói.

Điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng. BHYT sẽ chi trả tiền thuốc ARV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT.

Chi phí thuốc ARV phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần, các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Người nhiễm HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn người không nhiễm. Vì vậy, BHYT giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe, giúp họ đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài.

Người nhiễm HIV nên nhanh chóng tham gia BHYT

Đến nay, việc tham gia và sử dụng BHYT của người nhiễm HIV đã đơn giản, thuận lợi hơn. Người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia BHYT theo hộ gia đình; đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp.

Hiện tại, BHYT đang thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện. Từ năm 2019, BHYT sẽ mở rộng chi trả cho cả thuốc ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, năm 2019 TP sẽ triển khai cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 5 cơ sở điều trị là Bệnh viện Phổi, Bệnh viện đa khoa Vân Đình, Trung tâm Y tế các quận: Long Biên, Đống Đa, Nam Từ Liêm.

Thành phố cũng đã phê duyệt 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ chi trả cho những bệnh nhân có thẻ BHYT. Trong những năm tới, Hà Nội phấn đấu 100% bệnh nhân được điều trị ARV có thẻ BHYT, góp phần thành công khống chế dịch bệnh HIV/AIDS trên toàn quốc.

Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai BHYT, như một chiến lược quan trọng nhất để duy trì bền vững chương trình điều trị bằng thuốc ARV. Trên thế giới hiện nay rất ít các quốc gia có thể làm được việc sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV.

Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.

Số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus với mức trên 93%. Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.

Theo đánh giá của ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thì việc chuyển dần nguồn lực chi trả cho điều trị HIV sang quỹ BHYT là một chiến lược đúng đắn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Để tiến tới khống chế thành công căn bệnh nan y này, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khuyến cáo: “Việc tham gia và sử dụng BHYT của người nhiễm HIV có những thay đổi theo hướng tích cực, thuận lợi và bảo mật.

Vì vậy, người nhiễm HIV nên nhanh chóng tham gia BHYT để đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài. Trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các đối tác thuộc PEPFAR hỗ trợ địa phương tăng độ bao phủ và sử dụng BHYT cho người nhiễm HIV”.

Trần Hằng
.
.
.