Ổ dịch Bắc Giang tiếp tục "nóng":

Tập trung điều trị, xét nghiệm tìm ca nhiễm cộng đồng

Thứ Ba, 25/05/2021, 07:18
Trong những ngày qua, ổ dịch COVID-19 tại Bắc Giang tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước. Đến trưa 24/5 đã có 978 bệnh nhân, vượt qua Hải Dương trong đợt dịch thứ 3. Riêng ổ dịch Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu có gần 600 trường hợp F0, cao nhất trong 3 ổ dịch tại KCN Bắc Giang.



Trong những ngày qua, Bắc Giang đã xuất hiện một số trường hợp F0 không phải là công nhân, phát hiện trong quá trình xét nghiệm sàng lọc. Ngày 24/5, Bắc Giang ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong sau 5 ngày điều trị là nữ công nhân 38 tuổi, không có bệnh nền.

Nhiều đoàn viên tình nguyện vào tâm dịch

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, số ca dương tính có dấu hiệu giảm so với với những ngày trước, chủ yếu là số công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu, trong đó Công ty TNHH Hosiden Việt Nam vẫn chiếm nhiều nhất do đến nay đã thực hiện xét nghiệm quay đầu lần 2, lần 3 đối với công nhân của công ty này.

Tỉnh Bắc Giang tập trung lấy mẫu xét nghiệm tìm ca mắc mới. Ảnh: Mỹ Bình

Dự báo những ngày tới, số lượng ca F0 vẫn tăng nhưng ít có khả năng tăng đột biến do các ổ dịch lớn đã được khoanh vùng, cách ly, các đối tượng nguy cơ cao đã được lấy xét nghiệm và đã có kết quả. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã cách ly, phong tỏa.

Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K) có 7 F0, đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục chấn chỉnh việc rà soát, truy vết bảo đảm chặt chẽ, chính xác và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, nhất là việc trả kết quả. Tổng số mẫu Bắc Giang đã lấy là 576.825, chạy được 527.785 mẫu, hiện  còn 9.700 mẫu đơn (48.500 mẫu gộp) chưa có kết quả.

Bắc Giang đang phải cách ly tập trung 11.453 người là F1 và cách ly tại nhà 51.845 trường hợp F2; dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố. Với số lượng cách ly khổng lồ như trên, ngoài lực lượng Quân đội, Công an, Y tế, nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang đã viết đơn xung phong tình nguyện hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung. Công việc của các đoàn viên tình nguyện là hỗ trợ nấu cơm, đưa cơm, dọn sân nhà, khử khuẩn…ở nơi cách ly tập trung.

Đoàn viên Giáp Văn Sáng, ở xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam xung phong vào tâm dịch, cho biết: "Khi em nói ý tưởng tình nguyện vào hỗ trợ tâm dịch, gia đình em không đồng ý vì lo sợ em lây nhiễm. Song em đã thuyết phục được bố mẹ, em muốn cống hiến công sức nhỏ của mình cho tỉnh nhà chống đại dịch. Công việc của em hàng ngày là nấu cơm, chia cơm, quét dọn, không quá vất vả. Em chỉ mong dich bệnh sớm kết thúc, để mọi người được về gia đình".

The Thiếu tá Trần Mạnh Hiếu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang, sự nhiệt tình, trách nhiệm với tinh thần cao nhất của các đoàn viên, thanh niên, đã giúp cho lực lượng Quân đội, Công an, y tế giảm tải một phần lớn công việc phục vụ người cách ly. Trước khi vào hỗ trợ các khu cách ly, những đoàn viên, thanh niên đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm.

Hiện nay, các khu cách ly tập trung ở Bắc Giang được phân khu theo nguy cơ từ thấp đến cao để giảm lây nhiễm chéo và lựa chọn ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm cho phù hợp, trong đó lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần đối với khu vực có nguy cơ cao, 5 ngày/lần đối với những đối tượng khác. Tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo bảo đảm tuyệt đối an toàn thực phẩm tại các khu cách ly tập trung.

Trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, nhất là ở các khu công nghiệp, Viettel Bắc Giang đã lắp đặt 812 camera giám sát tại các khu cách ly, trong ngày 24/5 sẽ hoàn thành lắp đặt 1 nghìn camera tại 100 điểm theo đúng kế hoạch.  Các camera giám sát sau khi đưa vào sử dụng sẽ hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát tập trung nhằm quản lý công dân thực hiện cách ly có hiệu quả, đúng quy định.

Tập trung điều trị

Số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bắc Giang chuẩn bị lên tới 1.000 người, do đó việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở thu dung điều trị là vô cùng quan trọng, đặc biệt là các đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU), bởi đợt dịch này có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, có bệnh nhân trẻ tuổi, không mắc bệnh nền. Đến nay, Bắc Giang đã thiết lập đơn vị hồi sức tích cực ICU, bố trí đủ số giường bệnh, máy theo dõi chức năng sống; máy thở tuần suất cao; lắp đặt hệ thống oxy trung tâm, hoàn thiện lắp đặt hệ thống camera.

Các hạng mục thi công lắp ghép phòng bệnh, hệ thống điện, nước của Bệnh viện dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh hoàn thành. Ban lãnh đạo Bệnh viện dã chiến đã thành lập tổ hỗ trợ triển khai hoạt động của bệnh viện, hoàn thành xây dựng các buồng bệnh, triển khai lắp đặt giường bệnh dã chiến, với công suất 620 giường (làm cơ sở dự phòng).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang - Bắc Ninh cho biết, tất cả các đơn vị phòng chống dịch trong và ngoài tỉnh đều đang dồn toàn lực đẩy mạnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly toàn diện, đặc biệt là ở trong các khu vực cách ly, phong tỏa, các cộng đồng có nguy cơ cao.

Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế bám sát mọi diễn biến để đưa ra các hướng dẫn kịp thời, huy động nhiều nguồn lực xét nghiệm từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Quân y 103, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, êkíp xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang, các bệnh viện Hải Dương và Quảng Ninh… với quân số cán bộ y tế chi viện lên tới 600 người.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh lần này có nguy cơ kéo dài hơn các đợt dịch trước, không có xu hướng giảm sớm như Đà Nẵng hay Hải Dương và vẫn có thể có thêm các ca bệnh.

Do vậy, các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh cần đặt công tác phòng, chống dịch trong trạng thái báo động cao nhất và phải tiếp tục triển khai tất các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt nhất, bao gồm cả giãn cách xã hội, cách ly, phong toả, dừng hoạt động… Những việc này sẽ tác động rất lớn đến sản xuất, kinh tế, xã hội, đời sống hàng ngày người dân, nhất là người sinh sống trong vùng cách ly.

Trần Hằng
.
.
.