Phát tâm tập thể hiến tặng mô, xác phục vụ khoa học tại TP Hồ Chí Minh:

Tận hiến vì sự sống

Thứ Năm, 04/12/2014, 09:41
132 người đã tự nguyện làm các thủ tục tặng mô, xác phục vụ khoa học. Lượng người đăng ký tham gia chương trình ngày một tăng khiến ban tổ chức - chùa Giác Ngộ, TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận rằng, thật không ngờ chương trình lại có nhiều người hưởng ứng đến như thế.

132 người đã tự nguyện làm các thủ tục tặng mô, xác phục vụ khoa học. Lượng người đăng ký tham gia chương trình ngày một tăng khiến ban tổ chức - chùa Giác Ngộ, TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận rằng, thật không ngờ chương trình lại có nhiều người hưởng ứng đến như thế. Người tham gia hiến tặng thuộc nhiều lứa tuổi, trẻ nhất là 20, lớn nhất cũng đã ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một tâm nguyện: mong mỏi được đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là y khoa, góp phần hỗ trợ các thành viên trong cộng đồng mắc bệnh có thể trị bệnh, sống khỏe mạnh, có ích cho đời.

Tối cuối tuần, len lỏi trong dòng người đổ về chùa Giác Ngộ, TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm xuất gia của Thượng tọa Thích Nhật Từ, chúng tôi được cư sĩ Đoàn Thị Phượng kết nối với nhóm phật tử Lê Thị Hoàng Trang. Chị Trang cho biết, chị đang là giảng viên của một trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh và là phật tử mới quy y. Cùng với việc tham gia các hoạt động trong lễ kỷ niệm, chị và nhóm bạn có mặt tại chùa còn vì một sự kiện khá đặc biệt: nhận thẻ hiến mô, hiến xác phục vụ công tác khoa học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Thực tế, hoạt động này bắt đầu được phát động cách nay đã hơn một tháng. Cùng với việc tự nguyện hiến xác cho khoa học, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã vận động rộng rãi các tăng ni, phật tử cùng tham gia vào hoạt động này, coi bố thí nội tạng như một hành động nhân văn cao cả và là cách ứng dụng thiết thực của tâm từ bi. Vì mới là phật tử, biết đến chương trình vận động hiến mô, hiến xác của Thượng tọa Thích Nhật Từ rất sớm nhưng chị Trang thú thực là ban đầu chỉ có ý định tìm hiểu. Sau này, nhờ thầy giảng dạy và đọc thêm nhiều tư liệu khác theo hướng dẫn, chị nhận ra rằng đây là việc làm rất thiết thực, có ý nghĩa cho cộng đồng và hoàn toàn phù hợp với văn hóa, đạo đức Phật giáo. Thế nên, chị không chỉ tự nguyện làm đơn hiến xác mà còn vận động chị Trần Ngọc Xuân, cựu nhân viên Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hoàng Hạc, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa cùng tham gia. Thời điểm ban tổ chức trao thẻ hiến mô, hiến xác, chị Xuân còn vận động thêm 8 người khác cùng tham gia chương trình. Riêng anh Nguyễn Hoàng Hạc thì cho biết, việc tham gia hiến mô, hiến xác với anh và các thành viên trong gia đình không còn lạ lẫm. Bởi, cách nay mới vài năm, khi người anh trai của anh mất, gia đình đã từng bất ngờ khi tìm thấy giấy tờ liên quan đến việc người anh tự nguyện hiến mô, hiến xác phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Đến lượt anh tham gia chương trình này thì không còn phải giải thích, làm công tác tư tưởng gì thêm cho các thành viên trong gia đình nữa. "Nếu trường, bệnh viện cần mình hiến mô thì mình hiến mô, cần mình hiến xác thì mình hiến xác", anh Nguyễn Hoàng Hạc khẳng định.

Trao thẻ cho tăng ni, phật tử tham gia hiến mô, hiến xác phục vụ khoa học.

Chia sẻ về chương trình vận động mọi người cùng tham gia hiến mô, hiến xác cho khoa học, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng khẳng định: hiến xác hoặc các bộ phận cơ thể cho khoa học là bố thí nội tài, một hành động nhân văn cao cả, là ứng dụng thiết thực của tâm từ bi, phù hợp với văn hóa và đạo đức Phật giáo, đáng được tôn vinh và noi gương. Chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời. Sau khi chết, thân thể sẽ trở về với đất, nước, lửa, gió. Hiến xác cho khoa học làm cho cái chết và thi thể vô dụng trở nên có ý ích cho xã hội. Bởi, hiến xác cho khoa học đồng nghĩa với lúc chết, thân thể này vẫn tiếp tục còn cơ hội phục vụ cho cộng đồng. Hiến xác, do đó, không chỉ là hành động buông xả có giá trị nhân văn, mà còn có giá trị đạo đức trong tái sinh, phụng sự độ sinh...

Theo kế hoạch, toàn bộ số người đăng ký hiến mô và hiến xác cho khoa học theo chương trình vận động của Thượng tọa Thích Nhật Từ được chuyển giao cho Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh. Sau khi mất, người thân của những người tham gia chương trình sẽ chủ động liên lạc với trường theo thẻ được cấp để bàn giao thi thể, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Hiện tại, 132 người tham gia chương trình chưa phải là con số cuối cùng. Theo ban tổ chức, chương trình vẫn tiếp tục nhận thêm người đăng ký tham gia. Công tác tiếp nhận được thực hiện ngay tại chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Dương Thị Ngọc Châu, trưởng bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định: Trong quá trình đào tạo để trở thành bác sĩ y khoa, sinh viên phải trải qua rất nhiều môn học, mà trong đó môn giải phẫu học là một môn vô cùng cần thiết vì nó giúp cho sinh viên hiểu rõ ràng về cơ thể con người, phục vụ cho việc thăm khám và điều trị bệnh nhân một cách chính xác nhất. Nhu cầu của xã hội, của công tác giảng dạy, thực tập nghiên cứu của sinh viên ngày càng tăng cao nhưng thi hài tiêu bản người thật thì lại vô cùng thiếu thốn nên việc học tập, nghiên cứu của sinh viên còn nhiều hạn chế. Chương trình vận động hiến mô, hiến xác cho khoa học không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học mà còn là hoạt động xã hội mang tính nhân văn và cao quý, cần được nhân rộng để phục vụ chính các cá nhân trong từng cộng đồng nói riêng, xã hội nói chung.

Ngọc Nguyễn
.
.
.