Tâm sự từ đáy lòng của những "đại ca" trong phòng mổ

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:10
Bất cứ một sai sót nào liên quan tới người làm nghề y thường khó được chấp nhận, bởi nó liên quan tới tính mạng của con người. Dư luận gần đây chứng kiến khá nhiều vụ việc nhầm lẫn trong y khoa khiến bệnh nhân phải chịu tổn thất đau đớn về sức khoẻ.



Sau sự cố phẫu thuật nhầm chân trái thành chân phải cho một bệnh nhân (BN) xảy ra tại Bệnh viện (BV) Việt - Đức Hà Nội, thì phía Nam, dư luận lại đang ồn ào về sự cố tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, do tiên lượng của bác sĩ không chuẩn, khiến bệnh nhân tên Lê Hoàng Lâm (26 tuổi, ngụ tại Long An) buộc phải phẫu thuật, đoạn 1/3 dưới đùi phải do tai biến hoại tử.

TS. BS Võ Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON, người đã từng có nhiều năm liền đứng chính trong các ca mổ khó của BV Chợ Rẫy, chia sẻ tại một diễn đàn về một sự cố y khoa mà chính ông gặp phải liên quan tới vấn đề nhầm lẫn "trái - phải" đang được bàn cãi của ngành Y. Câu chuyện đó đã xảy ra hơn 10 năm nhưng theo thừa nhận của BS Sơn, thì nó vẫn còn nguyên nỗi day dứt như mới xảy ra.

Những vụ sai sót trong y khoa luôn khiến dư luận lo lắng. Trong ảnh (ảnh trên) là lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh gặp gỡ báo chí thông tin về vụ bệnh nhân Hoàng Lâm bị chẩn đoán sai bị biến chứng, phải cưa chân.

Theo BS Xuân Sơn, ông cũng có một vấn đề khó khăn trong việc "định danh" bên trái hay bên phải. Do đó, mỗi khi bước vào phòng mổ, BS Sơn thường cẩn thận nhờ mọi người trong ê kíp xác định cùng ông, bằng các câu hỏi. Nhưng cuối cùng vẫn xảy ra sự cố vào một ngày "đẹp trời". Khi ấy BS nhận được 1 ca BN được chẩn đoán bị máu tụ trong sọ. Kết quả chụp cho biết BN bị máu tụ ở một bên, tuy nhiên khi khoan sọ, bắt đầu cho cuộc mổ, mũi khoan chạy qua lớp màng não, BS mới phát hiện bên khoan không có máu tụ...

Sai sót được phát hiện và xử lý ngay lập tức. "Trong ca đó, BN không sao nhưng chỉ vì sai lầm của tôi mà BN bị lãnh thêm 1 "lỗ' ở trên đầu. Gia đình, người nhà BN dù quen nhưng cũng không thèm nhìn mặt tôi sau đó, muốn chăm sóc BN tôi phải thông qua Trưởng khoa, các đồng nghiệp. Chuyện rồi qua đi! Nhưng sau này, cứ mỗi khi bước vào một ca mổ liên quan tới vấn đề "định danh" phải, trái các cơ quan trên cơ thể BN... là tôi lại nhớ tới ca mổ sọ não ngày nào mà dặn lòng phải cẩn thận. Nhưng nỗi đau đó còn đeo theo tôi và sẽ theo suốt đời", BS Sơn trải lòng...

BS Xuân Sơn khẳng định, làm ngành Y đòi hỏi độ chính xác càng cao, nhưng BS cũng là con người, đâu phải thần thánh nên cũng không thể không có sai sót. Nhưng công tác tổng kết sai sót của Y khoa Việt Nam ta còn kém quá! Còn dư luận của ta còn quá nặng nề, quá cực đoan, thậm chí sỉ nhục BS là không nên. Không nên chỉ "chăm chăm" vào việc phải xử lý BS đó như nào, đền bù cho BN đó ra sao... Cái cần là đưa ra bài học khắc phục, trong qui trình đối với sai sót cụ thể đó để lần sau tránh cho những trường hợp BN sau gặp phải sai sót tương tự...

PV Báo CAND cũng có dịp trao đổi với một TS.BS cũng là một phẫu thuật viên lâu năm tại TP Hồ Chí Minh, ở góc độ nhìn nhận về vấn đề y đức, BS này phân tích, trong nghề nào cũng vậy chứ không riêng nghề y, đều có sai sót, người càng có thâm niên lâu năm thì càng phải cẩn thận. Nhưng có một thực tế đang diễn ra trong phòng mổ, đó là có BS chưa qua giai đoạn "thợ" đã muốn làm... "đại ca", cứ phó mặc cho ê kíp bên dưới, đến giờ là đủng đỉnh bước vào phòng mổ, vạch miếng "săng" - vải dùng trong phẫu thuật cho BN  - PV, là cắt, rạch, may... có khi có BS kẻ xong vài đường dao là giao phó phần còn lại cho ê kíp bên dưới. Chuyện chủ quan của BS đứng chính như trên là không hiếm.

Cũng theo chia sẻ của vị này, càng là bậc thầy về phẫu thuật, trước khi bước vào phòng mổ, họ không chỉ tới rất sớm, chuẩn bị kĩ càng việc sát khuẩn, hỏi ê kíp về thiết bị, kĩ thuật, lượng máu chuẩn bị... mà còn phải vào thăm BN, xem tâm lý, sờ tay, chân BN có gì bất thường, lo lắng không. Những việc này vô cùng quan trọng. Nếu là mổ ở chân, tay, nhất định phải được kiểm tra ở cả 2 bên. Vì đây là một cặp cơ quan trong cơ thể con người, trong tình huống BN đã lên bàn mổ, rất dễ nhầm. Người mổ chính còn khám trực tiếp vết tổn thương, lấy bút vẽ cẩn thận vị trí cần phẫu thuật.

Với chân bị thương, thì đâu chỉ khám mỗi chỗ bị tổn thương, còn phải kiểm tra xem cơ thể có chỗ nào đang bị nhiễm trùng không, siêu âm, chụp mạch máu xem có nguy cơ bị tổn thương gây tắc mạch nguy hiểm không... Hỏi BN vài câu để xem các "đệ tử" của mình đã khám đúng hay chưa trước khi chuyển giao BN lại cho mình đứng mổ... 

Nếu làm đúng hết các bước của qui trình thì không thể có chuyện đau chân này mà mổ chân kia, hay không tiên lượng hết. Vì tai biến nằm ở ngay chính cái bệnh chủ quan, bệnh "đại ca" trong phòng mổ.

H.Nga
.
.
.