Tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ: Nhiều bác sĩ không có chuyên môn

Thứ Sáu, 08/09/2017, 18:33
Những năm gần đây, ngành phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) ở nước ta phát triển rất nhanh, đáp ứng nhu cầu về làm đẹp trong giai đoạn hội nhập. Tuy nhiên, do phát triển khá nóng nên ngành PTTM đã xuất hiện rất nhiều bất cập, gây hệ lụy cho khách hàng.


Đó là những nét phác thảo về thực trạng ngành PTTM Việt Nam được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm về những bất cập và giải pháp phát triển ngành PTTM Việt Nam do Ban Vận động thành lập Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội chiều 8-9.

Các quy định, chế tài, công tác quản lý chưa đồng bộ, tạo nhiều kẽ hở, khiến nhiều cơ sở PTTM hoạt động chui, quảng cáo quá phạm vi cho phép, hoạt động không đúng chức năng... Theo PGS. Nguyễn Tài Sơn­ - Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình (BV Trung ương Quân đội 108), trình độ và khả năng PTTM của nhiều bác sĩ còn yếu, giấy phép cấp một đằng, quảng cáo và hoạt động một nẻo, nên đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Do đó, cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động PTTP để dảm bảo an toàn cho người bệnh.

Các nhà quản lý và chuyên gia PTTM trong cả nước cùng bàn biện pháp để ngành PTTM phát triển 

Bà Trần Thị Nhị Hà –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, một số Spa, Thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành PTTP, đều là trái qui định pháp luật. Một số cơ sở có nội dung quảng cáo khác nội dung được duyệt. Có tình trạng hồ sơ cấp phép chỉ được làm một số kỹ thuật nhưng khi thực hiện lại quá phạm vi cho phép, không an toàn cho khách hàng.

TS. Phạm Trình Quốc Khanh - Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ (BV Trưng Vương), cũng cho biết: Tại TP HCM, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ qua đào tạo PTTM vẫn chung chung. Khi đã được cấp chứng chỉ PTTM, bác sĩ có thể được PTTM từ đầu đến chân. Đây là bất cập lớn bởi nhiều bác sĩ chỉ chuyên sâu về một hoặc một vài bộ phận trên cơ thể chứ không thể làm được tất cả.

Bà Trần Thị Nhị Hà –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội 

Nhiều trung tâm Spa, Thẩm mỹ viện không có chức năng PTTM nhưng vẫn làm, hay một số nơi phẫu thuật xăm mình. Mà xăm mình dễ xảy ra lây nhiễm bệnh, trong khi những người thực hiện lại không được đào tạo y tế để ngăn ngừa lây nhiễm cho khách hàng. Hiện, ngành y tế mới chỉ quản lý được các cơ sở y tế chứ chưa quản lý con người tại các cơ sở này. Việc phạt hành chính cũng không khiến các Spa hay Thẩm mỹ viện lo ngại bởi số tiền phạt không đáng bao nhiêu so với nguồn lợi nhuận đem lại. Nếu bị phạt họ sẵn sàng nộp phạt, nếu bị rút giấy phép họ lại mở cơ sở khác.

PGS.TS Lê Hành - Chủ tịch Hiệp Hội PTTM TP.HCM cho rằng, có những sự việc đáng tiếc xảy ra là do 3 nguyên nhân: bệnh nhân, bác sĩ và cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, để an toàn trong PTTM, đòi hỏi phải là bệnh nhân an toàn. PTTM chỉ làm ngoài da chứ không đi sâu vào nội tạng, nhưng với bệnh nhân bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường… mà vẫn mổ thì dễ xảy ra tai nạn. 

PGS.TS Lê Hành

Do đó, bác sĩ khám phải điều trị trước rồi mới tiến hành mổ. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải trung thực, còn giấu bệnh với bác sĩ thì sẽ ảnh hưởng tới việc phẫu thuật.  Thứ hai, bác sĩ phải an toàn. Những bác sĩ nhiều kinh nghiệm đôi khi cũng có nhiều sai sót. Do đó, bác sĩ có giấy phép hành nghề cũng phải tôn trọng hoạt động nghề nghiệp, đối với những ca mổ phức tạp phải mổ tại bệnh viện chứ không phải ở nhà, hoặc ở cơ sở kém chất lượng. Có bác sĩ chưa được đào tạo, hoặc không phải là bác sĩ cũng tham gia PTTM. Thứ ba là cơ sở PTTM an toàn. Nếu quy mô nhỏ thì chỉ mổ được những việc nhỏ. Nếu không đạt quy mô mà vẫn làm sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Để khắc phục những tồn tại, nhằm giúp ngành PTTM phát triển, PGS. TS Lê Hành cho rằng phải tăng cường đào tạo chính xác, cấp chứng chỉ hành nghề trên cơ sở người đã được đào tạo; tăng cường truyền thông, giáo dục, sức khỏe về thẩm mỹ cho đại chúng. Thêm nữa, phải tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động dựa vào các giấy phép được cấp để quản lý.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) 

TS. Phạm Trình Quốc Khanh ngành y tế cần cấp chứng chỉ chuyên sâu cụ thể từng vùng trên cơ thể, tránh tình trạng có người có chứng chỉ làm mắt với mũi mà lại nhận cả những ca làm ngực hay bụng.

Bà Trần Thị Hà cho biết, Sở Y tế Hà Nội ưu tiên các giải pháp quản lý ngành PTTM. Trong đó, phải truyền thông giúp người dân hiểu được vấn đề. Người dân thường có tư tưởng “sính ngoại”, tuy nhiên, chưa chắc những bác sĩ này đã được cấp phép hành nghề. Đối với những người cố tình vi phạm thì ngoài phạt tiền thì sẽ bị thu hồi, tước giấy phép hành nghề mới có tác dụng răn đe. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng PTTM và thị trường PTTM được minh bạch. “Chúng tôi sẽ thực hiện và làm công khai, minh bạch, công bằng trong kiểm tra, giám sát và xử phạt. Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân..” – Bà Hà nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho biết: Các chế tài, quy định Pháp luật về PTTM hiện nay khá hoàn thiện. Tuy nhiên, về dịch vụ thẩm mỹ phi phẫu thuật thì chưa được đầy đủ và đây là lĩnh vực mà các cơ sở hoạt động nhiều nhất. Tới đây, Bộ Y tế sẽ bổ sung các văn bản quy định rõ về chứng chỉ, cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo… để đảm bảo học đi đôi với hành; học chuyên ngành gì thì được thực hành phẫu thuật phạm vi nào. Việc tổ chức thực hiện sẽ có giao thoa, nên cần phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Công thương để phát hiện, hướng dẫn và xử lý vấn đề nhanh chóng và chặt chẽ nhất.


Thanh Hằng
.
.
.