Sưởi than củi chống rét: Giỡn mặt với tử thần

Thứ Sáu, 22/12/2017, 15:59
Để chống lại đợt giá rét này, một số người dân đã chủ quan khi sử dụng phương pháp “đốt than, củi” chống lạnh. Thói quen này khiến số ca bị nhiễm độc khí có chiều hướng gia tăng.


Những ngày qua, tại các tỉnh phía Bắc, không khí lạnh tăng cường, tiết trời trở nên giá rét. Để chống lại đợt giá rét này, một số người dân đã chủ quan khi sử dụng phương pháp “đốt than, củi” chống lạnh. Thói quen này khiến số ca bị nhiễm độc khí có chiều hướng gia tăng.

Sáng 22-12, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tất bật với công việc cấp cứu, chẩn trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc, hôn mê sâu. Trong phòng hồi sức cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc đang thăm khám cho bệnh nhân N.V.H (42 tuổi, quê ở TP Hải Phòng). Tuy đã không còn phải thở bằng máy, song bệnh nhân H vẫn trong tình trạng nửa nhớ, nửa quên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bệnh nhân H bị nhiễm độc khí nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, không nhận biết mọi thứ xung quanh.

Một trường hợp bị nhiễm khí độc do sưởi ấm bằng phương pháp đốt than, củi đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc (ảnh chụp sáng 22-12)

Theo thông tin các bác sĩ cung cấp, trước đó, khoảng 22h ngày 19-12, thấy tiết trời giá rét, anh đã đốt khoảng 2-3 kg than củi trong gian phòng làm việc của mình ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) để…ngủ cho ngon. Đến sáng 20-12, do không thấy anh H dậy làm việc như thường ngày, đồng nghiệp của anh liền cạy cửa. Lúc này, mọi người tá hỏa khi thấy anh H hôn mê sâu.

Do tình trạng bệnh quá nặng, anh H. được đưa tới Trung tâm Chống độc để cấp cứu, điều trị. Tại đây, chẩn đoán thấy anh H. bị hôn mê, có dấu hiệu tổn thương não, các bác sĩ đã tiến hành cho anh H thở bằng máy, đồng thời tiến hành điều trị theo phương pháp giải độc nhiễm độc khí. 

Nhờ sự tích cực cứu chữa của các y, bác sĩ nơi đây, sáng 22-12, anh H. đã tỉnh và tiếp xúc được với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, di chứng tổn thương đến hệ thần kinh luôn tiềm ẩn xảy ra.

Trường hợp anh H. nhập viện do sưởi ấm bằng phương pháp đốt than, củi tuy là trường hợp đầu tiên nhập viện cấp cứu trong đợt giá rét này, thế nhưng vụ việc trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đánh đu với “tử thần” do chống rét không đúng cách.

Thực tế cho thấy, những ngày qua khi không khí lạnh tăng cường tràn về các tỉnh phía Bắc, tại nhiều nơi, thậm chí là trên nhiều tuyến phố ở thành phố Hà Nội xuất hiện hình ảnh người dân dùng củi, than để sưởi ấm. Lo ngại hơn, tình trạng đốt củi, than để sưởi ấm còn xuất hiện trong một số không gian chật hẹp, không thông thoáng khí rất dễ bị nhiễm độc khí từ than củi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám anh N.V.H bị nhiễm độc khí do sưởi ấm bằng phương pháp đốt than, củi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, việc đốt than, củi và đặc biệt là than tổ ong ở trong phòng để sưởi ấm là rất nguy hiểm. Có điều này cũng bởi, khi than, củi cháy sẽ hút khí oxy xung quanh và thải ra khí CO. 

Do than, củi đốt trong phòng kín làm không khí không được lưu thông, sinh ra hiện tượng thiếu khí oxi và dư khí CO gây ảnh hưởng trực tiếp đến tế bào, não bộ, hệ hô hấp. 

Do khí CO không mùi, không vị nên người nhiễm khí độc không nhận biết được, đồng thời suy sụp nhanh dẫn đến hôn mê sâu. Đặc biệt, nếu không được phát hiện đưa đến các cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, nạn nhân rất dễ bị tử vong tại chỗ, nhất là đối với trẻ em và người già.

Do đó, cách giữ ấm tốt nhất cho cơ thể được an toàn là mặc quần áo ấm, luôn giữ ấm cho các bộ phận trên cơ thể như: đầu, tai, mũi, chân, tay. Bên cạnh đó, việc tăng cường luyện tập thể thao cũng là một trong những cách tăng sức đề kháng cho cơ thể trước những trận rét đậm, rét hại. 

Trong trường hợp cần phải sưởi ấm bằng phương pháp đốt than, củi thì tuyệt đối không được sử dụng trong không gian kín, chật hẹp, không thông thoáng khí. Có như vậy, những vụ việc đau lòng mới không tiếp tục xảy ra.

Tối 21-1-2016 ở huyện Nam Đàn (Nghệ An). Do tiết trời trở rét, chị N.T.N vừa sinh con thứ 2 được 1 ngày tuổi cùng người thân chống lạnh bằng cách đốt than củi. Không ngờ, sáng hôm sau, chị N cùng 4 người thân bị nhiễm khí độc, mê man, bất tỉnh. Đáng buồn hơn, do ngộc độc nặng nên bé gái mới 18 tháng tuổi (con lớn chị N) sau đó đã bị tử vong.
Trần Huy
.
.
.