Sử dụng mỹ phẩm giả: Tiền mất tật mang

Thứ Hai, 06/11/2017, 17:02
Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng năm nào, các bệnh viện da liễu/khoa da liễu trên toàn quốc cũng đều phải tiếp nhận khá nhiều người bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. 

Dĩ nhiên, hậu quả của việc dùng mỹ phẩm giả là khôn lường, vì thế, thông tin về lô hàng 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, có trị giá 11 tỷ của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam bị thu giữ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về hậu quả từ những “mỹ phẩm ngoại” mà không ai biết thành phần gồm những gì và tác dụng ra sao này.

Thực tế, ngay sau khi vụ “lô hàng ngoại” sản xuất tại… Hà Nội của TS Việt Nam bị phát hiện, lập tức đã có nhiều nạn nhân lên tiếng. Một trong số đó là chị Trần Thị V. 

Theo chị V., chị đã sử dụng trọn bộ sản phẩm của TS Group gồm kem huyết rồng ban đêm Ann, kem huyết rồng ban ngày Ann, kem tẩy tế bào chết Helbal, kem chống nắng Sk8, sữa tắm Sk8, Sk8 tắm trắng tinh chất từ nhau thai cừu… Tuy nhiên, gần đây chị thấy da khô, nổi mụn ở mặt, thay vì mịn màng, trắng trẻo như lời quảng cáo. 

Mặc dù rất lo lắng nhưng vì tin rằng sản phẩm của TS Group là hàng xịn nên chị nghĩ có thể chỉ là do da chị bị dị ứng, nên vẫn yên tâm sử dụng. Đến khi báo chí thông tin về lô mỹ phẩm của TS Group là giả, chị mới tá hỏa vào Bệnh viện Da liễu để khám và điều trị.

Một bộ mỹ phẩm có chất lượng thường có giá tiền triệu, nhưng ở bất cứ chợ nào cũng có thể tìm mua những hộp phấn, son, kem trắng da với giá rất rẻ vì mỹ phẩm trôi nổi được bày bán trên thị trường rất nhiều. 

Ở nhiều chợ cóc, có những người trải áo mưa bày bán “mỹ phẩm” mang đủ loại nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng ở Đức, Mỹ, Nhật, Hàn vv… với đúng kiểu dáng, chai lọ, màu sắc… chỉ có điều, giá vô cùng rẻ. 

Bộ mỹ phẩm gồm một thỏi son, một sản phẩm sữa tắm trắng da của … Nhật chỉ từ 70.000 - 150.000đ. Một hộp kem được giới thiệu là dưỡng làm sáng mịn nhập từ Đức giá chỉ 200.000đ.

Khám cho bệnh nhân bị di ứng vì mỹ phẩm giả.

Theo khảo sát của cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện có tới hơn 50% mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng được rao bán công khai. 

Tại hội nghị mới đây về công tác chống buôn lậu, hàng giả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói, mang nhãn mác thương hiệu lớn; được mua bán chủ yếu trên mạng và các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ. Đáng lưu ý là số người sử dụng sản phẩm này lại khá nhiều do giá rẻ, công dụng nhanh chóng. Kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ vi phạm khá lớn.

Những đồ mỹ phẩm bắt mắt và có giá rẻ phù hợp cho những người ít tiền. Vì thế, cùng với các chợ cóc, hệ thống bán hàng online đang khiến mỹ phẩm giả luồn lách đến từng gia đình. Vì thế, tình trạng dị ứng do mỹ phẩm “nhái” khá phổ biến. 

Mới đây, Bệnh viện Da liễu đã phải điều trị cho chị Lò Thị H. (ở Chiềng Ve, Mai Sơn, Sơn La) sau khi chị này dùng combo mỹ phẩm Ganier mua trên mạng với giá 350.000 đồng để trị nám và làm trắng da, khiến mặt và cổ chị bị sưng tấy, ngứa rát, da tróc như da rắn.

Bác sỹ Đỗ Văn Thành - nguyên Phó trưởng Khoa khám bệnh của Bệnh viện da liễu Trung ương cho biết, ông từng gặp nhiều bệnh nhân bị dị ứng khá nặng do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều người bị loét da, mẩn ngứa, sưng tấy, có trường hợp bị biến chứng, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

Mà chỉ có “trời” mới biết bên trong những hộp mỹ phẩm lung linh sắc màu này là cái gì. Nếu chỉ là phấn rôm với bột mì thì đã …phúc tổ cho người dùng, đằng này, rất nhiều người sử dụng “mỹ phẩm” hàng “hiệu” này đã lĩnh hậu quả: Theo thống kê, mỹ phẩm gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da, chiếm khoảng 30%  và kem tổng hợp chiếm 22%.

Để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.… hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng. Thậm chí, đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng, thậm chí khô nám, sần ngứa, nhiễm trùng da, xuất hiện nhanh các dấu hiệu lão hóa, thậm chí, bị ung thư da, dẫn đến tiền mất tật mang.

Các chuyên gia da liễu cho biết mỹ phẩm giả gây ra những nguy cơ khôn lường cho sức khỏe người dùng, bởi hầu hết chúng đều chứa chất độc hại với tỷ lệ cao hơn mức cho phép nhiều lần. Sản phẩm có chứa corticod dễ mang cho da có vẻ trắng mịn, nhưng lại gây giãn mạch, nám da, thậm chí có thể gây ung thư da nếu sử dụng lâu ngày.

Theo BS Vũ Thái Hà (Bệnh viện Da liễu Trung ương), sản phẩm mỹ phẩm hiện nay thường có nhóm felon hoặc thủy ngân làm trắng da rất nhanh nhưng chỉ sau một thời gian sẽ gây rối loạn sắc tố trầm trọng cho người dùng. Hậu quả là việc điều trị phải mất rất nhiều thời gian mà khả năng phục hồi thấp, chỉ khoảng 20 – 30%.

Việc điều trị, khắc phục dị ứng do mỹ phẩm dởm thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể, nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì. Vì thế, lời khuyên của các chuyên gia là tuyệt đối không nên dùng các mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ vì rất dễ “tiền mất tật mang”.

Thanh Hằng
.
.
.