Sốt xuất huyết lây lan và sự an nguy của cộng đồng

Thứ Năm, 24/09/2015, 19:49
Theo nhận định của các Chuyên gia, sốt xuất huyết (SXH) có tính thời sự nhưng lại bị lãng quên, thể hiện ở việc thiếu nỗ lực trong điều phối, cam kết chính trị, cũng như sự quan tâm nghiên cứu cho dù gánh nặng bệnh tật do SXH gây ra mang tính quốc tế.

Dấu hiệu bất thường của SXH

Phân tích về diễn tiến dịch SXH, PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhận định, theo quy luật 4 - 5 năm, năm nay có thể bùng phát dịch lớn. Trong đó, từ nhiều năm nay, khu vực phía Nam luôn là nơi lưu hành dịch SXH do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sôi. Có rất nhiều yếu tố liên quan từ môi trường, khí hậu, con người sống trong vùng nhiệt đới như ở VN đã đẩy nhanh việc lây lan của dịch SXH hiện nay.

Từ đầu 2015 tới nay, cả nước có trên 32.000 người mắc bệnh SXH ở 48 tỉnh, thành phố, 18 người tử vong, đặc biệt tỉ lệ người mắc bệnh có sự “dịch chuyển” từ trẻ em sang người lớn mắc bệnh tăng cao (trên 43%)… Trong vòng 15 năm qua, số ca mắc SXH là người lớn đã tăng gấp 2 lần và tăng gấp 5 lần so với năm 1990.

Riêng trong tháng 8/2015, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh có 307 ca SXH phải nhập viện, cao hơn 34% so với cùng thời kỳ tháng trước.

Cục trưởng Cục YTDP TRần Đắc Phu Bộ Y tế trực tiếp phân tích cho hộ dân hiểu về cơ chế lây lan của SXH.

Tại khu vực phía Nam thì Đồng Nai là địa phương thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ có số ca mắc SXH rất cao, 3.700 ca, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2014. Diễn biến SXH tiếp tục phức tạp khi tại Hà Nội, trong tháng 9/2015 đã xuất hiện 01 trường hợp bệnh nhân viêm não-màng não do SXH.

SXH phải được coi là vấn đề thời sự quốc gia

Theo PGS-TS Trần Ngọc Hữu,  SXH  phải được coi là một vấn đề thời sự Quốc gia, một vấn đề có tính ảnh hưởng tới an nguy của cộng đồng. Các yếu tố toàn cầu hóa, du lịch và thương mại góp phần làm lây lan gia tăng của dịch SXH.

Ghi nhận, năm 2011 tới nay, khách sử dụng đường Hàng không để đi lại giữa các vùng dịch và không vùng dịch tăng gấp 40 lần so với giữa thế kỷ 20. Trong khi đó, người nhiễm vi rút SXH là “ổ” dịch SXH gây lan truyền SXH toàn cầu, phương tiện đi lại hiện đại giúp cho sự du nhập của SXH từ vùng dịch đến vùng không có dịch với việc lan truyền cả 4 type huyết thanh vi rút. Gánh nặng bệnh tật của SXH cao gấp 4 lần so với con số thực tế.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về SXH tại khu vực Đồng Nai, ngày 18/9 vừa qua, đoàn thị sát của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã trực tiếp tới kiểm tra, giám sát tại một số hộ dân tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đánh giá của đoàn, cho thấy tại địa phương này vẫn phổ biến tình trạng để lăng quăng, bọ gậy trong các hộ nhà dân do các gia đình có đất, vườn rộng nên vứt bỏ các dụng cụ phế thải như chum, vại, chai, lọ, đồ hộp,… ra sân vườn khiến sau khi mưa xuống, nước đọng thành nơi chứa nước để muỗi sinh đẻ.

Ngoài ra, các bàn thờ “Thiên” ngoài sân vườn có lọ hoa, chén nước thờ cúng cũng là nơi chứa nước trong, thích hợp cho muỗi đẻ trứng. Bên cạnh đó, chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất của tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do tình hình dân cư trên địa bàn phức tạp, chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy với lịch làm việc vắng nhà thường xuyên, khiến việc thông báo, tuyên truyền và việc vào nhà phun hóa chất khó thực hiện…

Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về sốt xuất huyết là vô cùng cần thiết.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, do dịch SXH có diễn biến phức tạp, tuần qua, TP đã tổ chức họp hệ thống Y tế Dự phòng 24 quận/huyện triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh SXH.

Thành lập 4 đoàn giám sát tình hình dịch tới từng địa phương. Theo đó, toàn thành phố tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và tổng vệ sinh môi trường vào thứ 7 - chủ nhật hàng tuần, liên tục trong 8 tuần kể từ ngày 19/9/2015.

Đối với với những ổ dịch kéo dài trên 1 tháng sẽ tiến hành phun hóa chất trên diện rộng; kiểm soát muỗi và lăng quăng truyền bệnh SXH tại những điểm nguy cơ tập trung đông người; và theo dõi sự diễn tiến của ca bệnh tại ổ dịch, xác định nguồn lây chính qua đó kịp thời điều chỉnh phạm vi ổ dịch phù hợp với tình hình thực tế, khống chế không để dịch lây lan.

Tập huấn về điều trị cho các tỉnh đông người sốt xuất huyết

Nhằm giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết (SXH) trong bối cảnh dịch đang diễn ra, ngày 24/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn tăng cường công tác điều trị SXH và rút kinh nghiệm tử vong do SXH năm 2015 cho 3 tỉnh trọng điểm về SXH là Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong đó, Bình Dương, Đồng Nai có số mắc và tử vong do SXH tăng so cùng kỳ năm 2014, riêng tỉnh Tây Ninh có nhiều ca SXH nặng phải chuyển tuyến.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị phải chủ động và liên tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong do SXH.

Các bệnh viện phải củng cố và duy trì các “nhóm điều trị SXH” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH” để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ, phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh...

Hảo Lê –Dạ Miên

Huyền Nga
.
.
.