63 người chết vì bệnh dại trong năm 2017

Thứ Bảy, 06/01/2018, 20:23
Năm 2017 kết thúc với con số 63 người chết vì bệnh dại. Đây là điều rất đáng lo ngại khi theo các chuyên gia, bệnh dại có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.


Ngày 6-1, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại đã xảy ra ở 31/63 tỉnh. Nhưng số người chết do bệnh dại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm 71% số ca bệnh dại của cả nước. Hiện có 16 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại, tức là có từ 5 người bị tử vong do bệnh dại trong 1 năm trở lên.

Một trong các địa phương có nhiều người tử vong do bệnh dại là Thanh Hóa khi có tới 5 ca. Trong đó có nạn nhân là trẻ em như cháu Ly Văn Xuân (11 tuổi, ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát) bị chó của gia đình nuôi cắn vào tay chảy máu. Tiếc rằng, Xuân đã không được gia đình đưa đi tiêm mà chỉ sử dụng thuốc lá nam. Sau đó ít ngày thì cháu có diễn biến xấu, lúc này mới được gia đình đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận trường hợp nạn nhân bị chó dại cắn nhưng 4 tháng sau mới phát bệnh, như chị Đinh Thị Thương (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Vì không được điều trị kịp thời nên nạn nhân đã không qua khỏi.

Tiêm phòng bệnh dại rất quan trọng 

Điều đáng nói là, cùng với Xuân còn có 6 người khác ở địa phương cũng bị con chó dại này cắn, nhưng chỉ có 2 người được tiêm phòng dại. Việc chủ quan khi bị chó dại cắn là nguyên nhân phổ biến của số người tử vong do dại thời gian qua.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cảnh báo, qua theo dõi bệnh dại trong nhiều năm, có tới 15 - 20% ca tử vong do dại là nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm có khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng đều không tiêm dự phòng vaccine mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Vì thế, khi những người này đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa. 

Theo các chuyên gia, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Tuy bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu khi bị động vật dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Trước tình hình tử vong do bệnh dại có xu hướng gia tăng, Cục Y tế dự phòng lưu ý người dân các biện pháp phòng chống khi bị chó, mèo cắn: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Khẩn trương đến Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.


Thanh Hằng
.
.
.