Sẽ đơn giản hóa nhiều thủ tục bảo hiểm y tế

Thứ Tư, 27/05/2015, 08:15
Việc giảm hơn một triệu người tham gia đóng bảo hiểm y tế (BHYT) trong 3 tháng đầu năm 2015 đã trở thành mối quan tâm của xã hội sau khi thông tin này được đưa ra vài tuần trước.

Nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả để tháo gỡ và ngăn chặn sự sụt giảm trên, với hy vọng có thể đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã có cuộc họp giữa hai bên, đánh giá lại vấn đề một cách cụ thể. 

Ngày 26/5, đại diện Bộ Y tế cho biết, tuy số đối tượng tham gia BHYT giảm 1,4 triệu người so với cuối năm 2014, nhưng nếu so với cùng kỳ quý I-2014 thì vẫn tăng 2.315.893 người. Trong số giảm 1,4 triệu người của quý 1-2015 tập trung ở 2 nhóm: nhóm do ngân sách nhà nước đóng giảm 65,8% và nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng, như học sinh sinh viên (HSSV), người cận nghèo giảm 34,2%.

Nguyên nhân của việc giảm số người tham gia BHYT, theo Bộ Y tế chỉ ra là do các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo, một số xã đã không còn thuộc danh sách xã khó khăn nên không được ngân sách nhà nước mua BHYT. Tương tự, một số địa phương có số đối tượng cận nghèo tham gia BHYT cũng giảm đi. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp cuối năm khi tăng tiến độ sản xuất thì sử dụng lao động nhiều, đến đầu năm 2015, khi vào mùa tết, lễ hội thì cắt giảm lao động do chưa có nhu cầu.

Có BHYT, người bệnh sẽ giảm chi phí khi nằm viện điều trị.

Những khó khăn bước đầu trong triển khai BHYT theo hộ gia đình là thực tế không thể phủ nhận. Nhiều người dân vẫn còn phàn nàn, thắc mắc do chưa nắm rõ quy định mới, nhất là người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình, điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHYT của các gia đình. Công tác thực hiện quy định về cư trú, tạm trú chưa nghiêm túc nên nhiều hộ có người đi làm ăn xa hoặc đi nước ngoài nhưng không khai báo tạm vắng tại nơi cư trú.

Do vậy, khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình khó chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình, nhất là với những trường hợp không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú, nhưng không thể loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình, do cơ quan chức năng không xác nhận tạm vắng. Việc lập danh sách theo hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, do UBND xã, phường chưa coi đây là nhiệm vụ bắt buộc.

Mặc dù đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Luật BHYT, nhưng hầu hết chưa đề cập đến việc xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, cũng chưa triển khai thực hiện BHYT đối với  những người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông - lâm –ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện…

Các địa phương cũng chưa có chỉ đạo cụ thể với công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời với cấp giấy khai sinh, khám, chữa bệnh (KCB) tại địa bàn giáp ranh, chuyển tuyến KCB BHYT... Những vấn đề này tác động không nhỏ khiến cho việc tham gia BHYT ở các nơi đều giảm.

Để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 75% dân số tham gia BHYT năm 2015 và giải quyết những vướng mắc đang tồn đọng, Bộ Y tế và BHXHVN đã thống nhất tập trung chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai BHYT theo hộ gia đình, với việc tuyên truyền, vận động tăng số người tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng như người cận nghèo, nông dân có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp, HSSV; tập trung kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60% để có biện pháp kịp thời v.v…

BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi Công văn số 777 ngày 22/3/2015 hướng dẫn một số nội dung thu BHYT theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt là sẽ bỏ quy định hộ gia đình phải xuất trình bản photo giấy tạm vắng, giấy ly hôn… BHXH Việt Nam cũng cho phép tổ chức thu BHYT định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, thay vì đều thu cả năm như trước, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình được rộng rãi hơn. Tới đây, nếu Chính phủ đồng ý, việc lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giao cho trạm y tế xã.

Tuy nhiên, trong các nội dung thống nhất giữa Bộ Y tế với BHXHVN lần này chưa thấy chỉ ra một nguyên nhân cũng tác động không nhỏ đến tâm lý người tham gia đóng BHYT, đó là chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT. Vì thế, chưa thấy có giải pháp nhằm giảm thiểu các thủ tục KCB hơn nữa, cũng như nâng cao chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT.

Bởi, sự phân biệt giữa bệnh nhân có thẻ BHYT với bệnh nhân KCB dịch vụ ở các cơ sở y tế là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết, nếu muốn số người tham gia BHYT ngày càng nhiều hơn, khi đây vẫn là điều khiến người dân kêu ca lâu nay. Khi nào chất lượng KCB ở khu vực BHYT thật sự được nâng lên, chắc chắn sẽ có tác động ngược trở lại, để động viên người dân tự nguyện tham gia BHYT nhiều hơn.

Thanh Hằng
.
.
.