Truy trách nhiệm của đơn vị trao Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca

Thứ Sáu, 20/04/2018, 18:45

Vụ việc cơ quan chức năng phát hiện Tập đoàn Vinaca sản xuất “mỹ phẩm hỗ trợ điều trị ung thư” từ bột than tre đã động đến không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, mà cả các đơn vị đã trao Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 cho sản phẩm này cũng phải chịu trách nhiệm. 



Theo ông Lê Trọng Anh (Quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu, Thường trực Ban tổ chức chương trình Top 10 thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017) cho biết, đơn vị này đã thu hồi Giấy chứng đã trao cho Tập đoàn Vinaca sau khi cơ quan phát hiện sự thật về “thực phẩm chức năng” của Vinca chỉ là làm từ bột than tre.

Mặc dù được làm từ bột than tre theo phương pháp thủ công, nhưng Vinaca lại có được một giấy chứng nhận về thương hiệu sản phẩm và chính điều này đã khiến “mỹ phẩm - thực phẩm chức năng” của Vinaca chiếm được lòng tin của người bệnh. Đáng nói là Vinaca đã có được thứ “bảo bối” ấy quá dễ dàng, lại do chính đơn vị chống hàng giả trao nên tác hại sẽ là không nhỏ. Nơi trao Giấy chứng nhận này cho Vinaca là Viện Công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí hàng hóa và thương hiệu.

Giấy chứng nhận Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về tiêu chí cấp Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca, ông Lê Trọng Anh vẫn cho rằng, tại thời điểm đánh giá và bình chọn cho Vinaca thì đơn vị này chưa có vi phạm pháp luật. Chương trình và lễ công bố giấy Chứng nhận đánh giá và truyền thông thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam không phải là buổi lễ trao giải thưởng, nên không phải xin cấp phép. Tiêu chí Ban tổ chức trao chứng nhận cho doanh nghiệp là nội dung thương hiệu Vinaca chứ không phải nội dung thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm của Vinaca. Vinaca sản xuất và sử dụng sản phẩm sai mục đích thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà quản lý đều cho rằng, không thể có một thương hiệu nào không gắn liền với chất lượng sản phẩm. Do đó cách giải thích của đại diện chương trình Top 10 thương hiệu là không thể chấp nhận.

Về vấn đề nộp kinh phí để nhận danh hiệu Top 10 thương hiệu, Lê Trọng Anh cho biết đây là hoạt động truyền thông xã hội hóa, các đơn vị tham gia tự nguyện đóng góp để Ban tổ chức trang trải chi phí gồm xây dựng chương trình, truyền thông quảng bá, thuê địa điểm, thuê sóng truyền hình… Tuy nhiên, ông Anh không thông tin cụ thể vì cho rằng mức bởi đóng góp tự nguyện của các đơn vị tham gia khác nhau.

Trước câu hỏi tại sao một đơn vị chống hàng giả, hàng nhái lại cấp phép cho sản phẩm giả của Vinaca, đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết Ban tổ chức chỉ đánh giá và truyền thông thương hiệu Vinaca chứ không thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm và cấp phép cho các sản phẩm của Vinaca. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc đăng ký, cấp phép lưu hành cho các sản phẩm của Vinaca phải do các cơ quan công quyền quyết định”.

Không chỉ thế, trong văn bản gửi tới báo chí, đơn vị tổ chức này còn khẳng định, ngày 12-10-2017, Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho Vinaca, còn đến chiều 18-4-2018, Bộ Y tế mới có kết luận sản phẩm Vinaca là sản phẩm thực phẩm chức năng giả; rằng “cấp Bộ mà còn phải cân nhắc thời gian thì Ban tổ chức làm sao đánh giá được vào thời điểm tháng 10-2017”!

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) kiên định với quan điểm phải xem xét trách nhiệm của đơn vị trao Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho Vinaca bởi một đơn vị chống hàng giả lại trao giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu cho một công ty sản xuất hàng giả là không thể chấp nhận.

Đặc biệt, ông Hùng cũng đề nghị phải xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp phép cho sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2. Bởi Sở Y tế Hải Phòng đã cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm, mỹ phẩm cho sáu sản phẩm cho Công ty TNHH Hồng An Phong (địa chỉ: thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng), công ty sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, trong đó có sản phẩm mỹ phẩm là “Ung thư Vi3” và một sản phẩm mỹ phẩm nữa với cái tên rất lạ “Tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập, căng thẳng, mệt mỏi” vv…

 “Vì sao tên sản phẩm mỹ phẩm là “Ung thư Vi3” mà Sở Y tế Hải Phòng lại vẫn cấp phép là mỹ phẩm? Vì sao sản phẩm “Tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập, căng thẳng, mệt mỏi” là một loại rượu lại do Sở Y tế cấp phép, trong khi thẩm quyền phải thuộc Sở Công thương?” Ông Trần Hùng đặt vấn đề.



Thanh Hằng
.
.
.