Ráo riết chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện

Thứ Hai, 13/03/2017, 20:30
Để thực hiện được chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm từ 1-7-2017 theo chỉ đạo của Chính phủ, các nhà quản lý, các bác sĩ đều thống nhất rằng, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng xét nghiệm y học ở các bệnh viện (BV).


Nhằm hỗ trợ cho hệ thống các phòng xét nghiệm y học thực hiện các quy định về quản lý chất lượng, tiến tới liên thông kết quả theo lộ trình, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo về tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm vào chiều 13-3, Hà Nội.  

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Mặc dù những năm gần đây công tác quản lý chất lượng xét nghiệm, nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhu cầu KCB của nhân dân ngày càng đòi hỏi chất lượng cao đang khiến những người làm công tác y tế phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng kết quả xét nghiệm

Nhiều ý kiến băn khoăn việc liên thông kết quả từ 7-2017 liệu có quá vội vàng, hoặc sẽ gây khó cho các cơ sở y tế cũng như dễ thiệt thòi cho người dân nếu công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng, khi chất lượng xét nghiệm giữa các BV còn chênh lệch. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý KCB cho biết, Bộ Y tế đã có lộ trình chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm từ nhiều năm trước.  

Từ 2013, Bộ Y tế đã có Thông tư thiết lập, hoàn chỉnh hệ thống Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng toàn quốc, qui định kiểm soát, hạn chế các sai số xét nghiệm, đồng thời, cũng qui định một hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm từ cấp Bộ đến BV và phòng xét nghiệm để đảm bảo công tác quản lý chất lượng có hệ thống và xuyên suốt.

28 phòng xét nghiệm của BV tuyến tỉnh đã được tiếp cận với phương pháp nâng cao chất lượng xét nghiệm hướng tới được công nhận của WHO và CDC (trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ). Do đó, chất lượng xét nghiệm ở tuyến tỉnh là đáng tin cậy. Các BV tuyến quận, huyện ở Nam Định và Ninh Bình đã được áp dụng mô hình nâng cao chất lượng xét nghiệm hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam đã có 52 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189. 

Đến nay đã có gần 4.000 lượt phòng xét nghiệm được kiểm tra chất lượng, gồm cả các cơ sở cung cấp máu. So với năm 2012, số các cơ sở tham gia ngoại kiểm đã là 3059, tăng hơn 10 lần. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý và xét nghiệm đã được đào tạo để đáp ứng việc nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm.

Tuy vậy, cho dù đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước, nhưng việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV vẫn còn có những khó khăn, là điều được đưa ra tại hội thảo. 

Việt Nam đã có nhiều phòng xét nghiệm đạt chất lượng ISO 15189

Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện Tiêu chuẩn Lâm sàng và Xét nghiệm Hoa Kỳ (CLSI) đã mang đến những thông tin mới nhất về các công cụ cải tiến chất lượng và quản lý các sai sót trong đánh giá chất lượng xét nghiệm, với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng xét nghiệm ở Việt Nam.

Ráo riết chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm khi chỉ còn vài tháng nữa là chính thức thực hiện, ngay trước thềm hội thảo Quản lý chất lượng xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có công văn yêu cầu Giám đốc các BV tuyến Trung ương phải tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh…nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm; nhanh chóng thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi BV.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý KCB khẳng định việc nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hoá, là cơ sở cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế. Điều này giúp giảm chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đẩy nhanh việc hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

Thanh Hằng
.
.
.