Sau 2 tuần thực hiện Luật sửa đổi luật BHYT:

Quyền lợi người bệnh không bị giảm

Thứ Năm, 15/01/2015, 09:41
Không như nhiều ý kiến lo ngại về việc quá tải các BV tuyến TW khi áp dụng mức bảo hiểm y tế (BHYT) mới từ 1/1/2015 đã tăng mức thanh toán cho bệnh nhân vượt tuyến điều trị nội trú, sau 2 tuần thực hiện chính sách BHYT mới, tình hình bệnh nhân ở các bệnh viện (BV) tuyến TW gần như không thay đổi.

Những lo ngại khi BHYT cũng giảm mức thanh toán một số loại thuốc ung thư cũng không làm cho việc điều trị của các bệnh nhân ung thư khó khăn, cũng đã được giải tỏa.

Về việc tăng mức BHYT cho bệnh nhận vượt tuyến điều trị nội trú, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho rằng, mức BHYT mới giúp việc điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Đồng quan điểm với Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho rằng, việc thanh toán BHYT tăng thêm cho người bệnh vượt tuyến, là có lợi cho bệnh nhân, vì giúp họ giảm được chi phí KCB và động viên, khuyến khích người dân mua BHYT.

Ông Hiền cũng không lo ngại việc quá tải BV do thủ tục thuận tiện, khiến người dân có tâm lý vượt tuyến, mà cho rằng, người bệnh có vượt tuyến cũng là vì để chữa bệnh, chứ không phải vì quyền lợi. Do đó, ông tin rằng, số lượng người bệnh tăng lên vì được thanh toán BHYT vượt tuyến cũng không nhiều. Và dù trong trường hợp nào thì BV Bạch Mai vẫn đảm bảo phục vụ bệnh nhân tốt nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi được người bệnh có BHYT dễ dàng chấp nhận, thì cũng có những thay đổi khiến người dân băn khoăn, như việc BHYT không thanh toán 30% khi khám ngoại trú vượt tuyến, giảm tỷ lệ chi trả thuốc chữa ung thư...

Về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã lường trước được những thắc mắc của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp này và khẳng định: Sự thay đổi này không làm giảm quyền lợi của người bệnh. Về thuốc điều trị ung thư, nhiều người cho rằng quyền lợi người bệnh bị giảm, khi một số loại thuốc trước đây được BHYT thanh toán 100% nay giảm xuống thanh toán 50%, là không có cơ sở.

Bởi, cần nhấn mạnh lại rằng, danh mục thuốc của BHYT có nhiều loại thuốc thay thế, nhất là khi so với trước, lần này, đã có thêm 17 loại thuốc được đưa vào danh mục. Hơn nữa, 4 loại thuốc vừa được loại khỏi danh sách BHYT chi trả 100% là các loại thuốc mà các nước trên thế giới cũng không đưa vào danh mục. Ngoài ra, với danh mục thuốc hiện có, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cũng cho biết đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân.

Về vấn đề không thanh toán BHYT cho những trường hợp khám bệnh ngoại trú tự vượt tuyến, bà Tống Thị Song Hương cho biết: Điều này cũng đã được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cân nhắc kỹ trước khi thống nhất quyết định. Bởi theo báo cáo giám sát của Quốc hội trong 4 năm thực hiện Luật BHYT đã cho thấy, số tiền chi cho khám trái tuyến là rất lớn và là một trong những nguyên nhân gây quá tải BV tuyến trên.

Bên cạnh đó, Viện Chính sách y tế cũng đánh giá, có đến 70% số bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết, kéo theo chi phí ăn ở, đi lại cũng không cần thiết. Sau khi cân nhắc trên cơ sở vì quyền lợi người bệnh, phương án chỉ thanh toán điều trị nội trú, còn ngoại trú thì  không thanh toán.

Với những người mắc bệnh mạn tính, cần điều trị dài ngày định kỳ, Bộ Y tế đã có quy định 47 nhóm bệnh (thay vì 5 - 7 nhóm bệnh trước đây) như hen, lao, tim mạch, ung thư, bệnh nội tiết... được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị 1 năm.

Như vậy, người bệnh chỉ cần chuyển tuyến một lần sẽ được khám định kỳ theo lịch suốt năm không cần xin giấy chuyển tuyến mới. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám trái tuyến tại tuyến tỉnh, nhưng BV này không đủ khả năng điều trị, phải chuyển tiếp bệnh nhân lên tuyến trên thì vẫn được thanh toán 100% theo quy định.

Về ý kiến lo ngại khi nhiều người bệnh sẵn sàng bỏ tiền ra để lên tuyến TW khám, thì mục tiêu giảm tải tuyến trên của việc cắt giảm thanh toán BHYT cho các trường hợp vượt tuyến điều trị ngoại trú vẫn bị ảnh hưởng.

Điều này được đại diện Vụ BHYT cho biết: Tới đây, khi giá dịch vụ KCB sẽ được tính đúng, tính đủ theo yêu cầu của Chính phủ, thì người bệnh cũng khó duy trì được việc tự bỏ tiền ra để vượt tuyến trong thời gian dài. Song, ngành Y tế cũng hiểu được về lâu dài, cần phải nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, để người dân yên tâm KCB, không cần phải vượt tuyến.

Thanh Hằng
.
.
.