Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Thứ Hai, 18/05/2020, 09:30
Sau khi dừng tiêm chủng do đại dịch COVID-19, từ ngày 13/5, chương trình tiêm chủng mở rộng đã hoạt động trở lại.

Thời gian này, một số trẻ đã bỏ qua giai đoạn tiêm các mũi tiếp theo, hoặc mũi ban đầu như dịch sởi, đặc biệt là tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Song theo ghi nhận của phóng viên, trẻ đến tiêm chủng mở rộng ở các quận nội thành tại Hà Nội vẫn còn ít.

Tiêm chủng mở rộng chỉ đạt 40-50% ở nội thành

Ngày đầu tiên tiêm chủng mở rộng hoạt động trở lại, tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), số trẻ đến tiêm vẫn còn rất ít. Chị Phạm Thị Minh (phường Tràng Tiền) cho biết: “Nghỉ dịch lâu quá tôi cũng sốt ruột, hôm nay cháu đi tiêm mũi 5 trong 1, trong đó có bệnh sởi nên tôi cũng bớt lo”. Lý giải vì sao sau nghỉ dịch, số trẻ đến tiêm không nhiều, nhân viên y tế ở đây cho biết, do trên địa bàn không phải lúc nào cũng có trẻ ở độ tuổi cần tiêm các mũi tiêm chủng mở rộng, hơn nữa trước đó, nhiều trung tâm tiêm chủng dịch vụ đã mở cửa trở lại, nên nhiều gia đình cho con đi tiêm để đúng lịch.

Trước đó, các trung tâm y tế của Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau, như rà soát danh sách các trẻ ở các khu dân cư, tổ dân phổ để thống kê trẻ đến thời điểm tiêm và các cháu tháng trước đến tiêm nhưng do dịch COVID-19 nên bị hoãn để tuyên truyền các gia đình cho con đi tiêm chủng trở lại, nhằm bảo vệ sức khỏe.

Phụ huynh đưa con đến tiêm chủng tại Phòng tiêm chủng dịch vụ 70 Nguyễn Chí Thanh vào ngày 15/5.

Theo BS Ngô Khánh Hoàng, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các điểm tiêm chủng mở rộng trong nội thành Hà Nội số trẻ đến tiêm ít, nhưng đông ở ngoại thành. Điều này không phải xảy ra sau dịch COVID-19 mà kể cả khi chưa có dịch cũng vậy. Giải thích lý do này, ông Hoàng cho hay: Một số phụ huynh cho rằng tiêm chủng miễn phí không mang lại hiệu quả phòng bệnh cao, nên không đưa con đến tiêm, mà lựa chọn tiêm dịch vụ. Thậm chí, có thời gian khan hiếm vaccine dịch vụ, phụ huynh vẫn chờ, bỏ lỡ thời gian vàng tiêm chủng của con, gây gia tăng dịch bệnh. 

“Trẻ đến lịch phải tiêm phòng đối các bệnh đã có vaccine, tiêm phòng càng sớm, càng đúng lịch càng tốt. Dịch bệnh không chờ ai cả, nên việc phụ huynh chờ vaccine dịch vụ sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ mắc bệnh cao”, BS Hoàng khuyến cáo. Theo thống kê của CDC Hà Nội, ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa số trẻ đến tiêm chủng mở rộng đạt khoảng 40-50%; các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt từ 90%-100% ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ…

Tiêm  phòng viêm não Nhật Bản đúng lịch

Trái ngược với các điểm tiêm chủng mở rộng ở nội thành Hà Nội, các phòng tiêm chủng dịch vụ đông đúc trở lại sau dịch COVID-19. Theo ghi nhận của phóng viên, tại Phòng tiêm chủng dịch vụ tại 70 Nguyễn Chí Thanh của CDC Hà Nội vào sáng 15/5 rất đông phụ huynh đưa con tới tiêm. Phần lớn trẻ đến tiêm một số vaccine thông thường như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm phổi do phế cầu, viêm não Nhật Bản, rubella…Trung bình mỗi ngày có trên 100 đến 200 trẻ tới tiêm, ở đây có 5-6 dây tiêm, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch.

BS Ngô Khánh Hoàng cho biết, hiện nay đang là mùa viêm não Nhật Bản, tuy Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản nào, song phụ huynh đặc biệt lưu ý cho trẻ từ 1-3 tuổi tiêm phòng đầy đủ các mũi, đặc biệt là các mũi nhắc lại. 

“Ý thức tiêm phòng viêm não Nhật Bản của người dân giờ đã nâng cao, song viêm não Nhật Bản là bệnh để lại di chứng nặng nề, gây tử vong cao, do vậy bước vào mùa hè, các quận, huyện, phường, xã đã phải tăng cường tuyên truyền để phụ huynh cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các mũi tại các điểm tiêm chủng mở rộng”, ông Hoàng nói. Cũng theo BS Hoàng, do năm 2019 Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm sởi toàn thành phố, nên hy vọng năm 2020 dịch bệnh này sẽ giảm hơn.

Một vấn đề các phụ huynh quan tâm, do dịch COVID-19 nên trẻ tiêm muộn hơn một tháng có ảnh hưởng đến trẻ hay không. Các chuyên gia y tế cho rằng, 1 tháng không phải là khoảng thời gian dài. Hơn nữa, trong thời gian gian cách xã hội, trẻ chủ yếu ở nhà nên các nguy cơ sẽ ít hơn, phụ huynh không cần lo lắng. Quan trọng nhất là đưa con đến các Trung tâm Y tế để tư vấn lịch tiêm bù phù hợp. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng có khoảng 10 mũi tiêm, đây đều là những mũi tiêm thiết yếu, tối thiểu cần phải tiêm đủ những mũi này. Ngoài ra có thể tiêm những vaccine dịch vụ khác, song phải có tư vấn của bác sĩ.   

BS Hoàng khuyến cáo: Tuần nào Hà Nội cũng triển khai tiêm chủng mở rộng, một buổi tiêm chủng có thể cùng một lúc tiêm nhiều mũi vaccine khác nhau ở các vị trí khác nhau, do vậy, phụ huynh nên cho con tiêm để các cháu bị lỡ các mũi tiêm trước dịch được tiêm đầy đủ, không bỏ sót các mũi. Khi trẻ tiêm về, phụ huynh phải theo dõi sức khỏe toàn trạng của trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như tím tái, sốt ca thì phải đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để tư vấn ngay.

Trần Hằng
.
.
.