Bệnh viện vệ tinh và câu chuyện 3 năm nhìn lại
Để giải quyết triệt để, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020, trong đó nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới là nhiệm vụ trong tâm của các địa phương.
Thực tế, hiệu quả của đề án là không thể phủ nhận, khi “chỉ chưa đến 3 năm, các BV vệ tinh đã thay đổi rõ rệt, đặc biệt là về chất lượng KCB, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị về tăng cường đề án BV vệ tinh, vừa tổ chức tại Hà Nội.
Giai đoạn đầu của Đề án có kinh phí ngân sách là 1.707,75 tỷ đồng, Bộ Y tế đã giao cho 14 BV trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm BV hạt nhân cho 46 BV vệ tinh ở 38 tỉnh, thành, tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi.
Nhờ phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, nhiều người bệnh được cứu chữa kịp thời. |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 3 năm, một số BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y học cao do BV hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là BV đa khoa các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…
Đặc biệt, tỷ lệ chuyển tuyến của các BV vệ tinh giảm rõ rệt: 37,5% số BV vệ tinh có tỷ lệ chuyển tuyến giảm, như BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến giảm 88,46%; BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật tăng cao so với năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 là 5.535 ca…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, khu vực miền Bắc đã có 19 tỉnh có BV vệ tinh. Đến nay, các BV hạt nhân đã chuyển giao thành công cho các BV vệ tinh nhiều kỹ thuật. Các BV vệ tinh có sự cải thiện rõ rệt sau 3 năm tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Đặc biệt, nhiều BV vệ tinh làm chủ được kỹ thuật để thực hiện được thành công từ 8-100% số ca, như: BV Đa khoa Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình v.v… góp phần quan trọng để giảm tải cho tuyến TƯ. PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt - Đức đã đưa ra những con số đáng mừng: BV Việt - Đức có 7 BV vệ tinh ở các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bắc Giang, Lào Cai v.v…
Sau khi thực hiện đề án BV vệ tinh, các BV vệ tinh đã giảm chuyển tuyến chỉ còn chưa đến 10%. Các kỹ thuật đã được thực hiện thường qui và đúng qui trình; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được làm nghiêm ngặt; 100% kỹ thuật sau chuyển giao đều được thực hiện kết quả tốt.
Tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, hiện đã triển khai được 100% dịch vụ kỹ thuật của BV hạng I và gần 50% dịch vụ kỹ thuật thuộc BV hạng đặc biệt. Với những lợi ích thấy rõ từ việc thực hiện mô hình BV vệ tinh ở các tỉnh, mà người dân cơ sở được hưởng lợi nhiều nhất, đại diện các tỉnh đều đề nghị Bộ Y tế tiếp tục mở rộng đề án BV vệ tinh; các BV TƯ tiếp tục giúp đỡ với việc cử các chuyên gia đầu ngành xuống đào tạo chuyển giao kỹ thuật; tiếp tục thực hiện hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, tổ chức hội nghị, hội thảo qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin v.v…
Bộ trưởng Bộ Y tế “bật mí”: Ngoài 5 chuyên khoa nóng nhất, tới đây, Bộ Y tế sẽ mở rộng đề án BV vệ tinh ở một số chuyên khoa khác, như hô hấp, nội tiết…, số kinh phí đầu tư lên tới 28 nghìn tỷ đồng.