Những khó khăn nào khi cách ly F1 tại nhà và cách ly 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine?
Sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội lần 2, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng cao. Kỷ lục là ngày 3/7, có 714 ca bệnh; đến trưa 4/7, tiếp tục thêm 430 người mắc, nâng tổng số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh vượt qua Bắc Giang, chuẩn bị chạm mốc 6.000 ca, cao nhất cả nước.
Để triển khai cách ly F1 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh hiện nay, cần phải lưu ý điều gì? Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang chuẩn bị triển khai thí điểm cách ly 7 ngày với các trường hợp nhập cảnh sau khi đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong 12 tháng qua. Việc thí điểm còn những khó khăn gì cần tháo gỡ?
Số ca mắc kỷ lục, cách ly F1 tại nhà ra sao?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, dịch tại TP Hồ Chí Minh đã lây lan trong cộng đồng với nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau với đa nguồn lây, đa ổ dịch vì TP Hồ Chí Minh là nơi có sự giao lưu đi lại rất lớn. Vừa qua đã phát hiện lây tại cộng đồng dân cư, trong doanh nghiệp, khu chợ, nhiều bệnh viện…Vì vậy, khi xét nghiệm diện rộng tăng lên hàng ngày thì tất nhiên số có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tăng lên.
Cách ly F1 tại nhà sẽ tránh tình trạng lây nhiễm chéo ở các khu cách ly tập trung đang quá tải. |
Hiện nay, số lượng cách ly tập trung F1 tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất cao. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà như Bộ Y tế đã hướng dẫn thí điểm trong công văn 5152 ngày 27/6 là rất cần thiết. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng kế hoạch có thể sẽ sử dụng công thức 14+14. Nghĩa là những F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát nơi lưu trú. Nếu đủ điều kiện như quy định của Bộ Y tế, họ sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày để giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Để thực hiện cách ly F1 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cần lưu ý điều gì? Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, theo hướng dẫn cách ly F1 tại nhà thì nhà cách ly phải đủ điều kiện như có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu có nhiều tầng, F1 sử dụng một tầng riêng biệt để cách ly. Chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cách ly; nâng cao vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng. Đặc biệt, ý thức của người cách ly là rất quan trọng, vì vậy chính quyền phải tuyên truyền cho người cách ly và người ở cùng nhà các quy định và thực hiện theo quy định.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chưa triển khai cách ly tại nhà cho F1 mà đang căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TP chỉ đạo xã, phường xây dựng triển khai thí điểm và khảo sát các điều kiện cách ly tại nhà để đảm bảo ở mức an toàn cao nhất. Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, mô hình cách ly này thành công sẽ giúp giảm thiểu lây nhiễm chéo ở các khu cách ly tập trung đang quá tải, đặc biệt các cơ sở trường học, văn phòng được cải tạo làm khu cách ly tập trung, có chung nhà vệ sinh không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời cũng giúp người cách ly giảm chi phí.
Đây không phải lần đầu tiên nước ta triển khai cách ly F1 tại nhà mà mô hình này đã triển khai ở Bắc Giang, thí điểm tại khu nhà trọ công nhân. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, hai mô hình có điểm giống nhau đều là cách ly F1 tại nhà, đều triển khai khi khu cách ly tập trung quá tải. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tại Bắc Giang, số F1 ở khu nhà trọ rất đông, mỗi phòng trọ diện tích chật hẹp lại đông người ở, không đảm bảo đủ điều kiện cách ly như hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế. Vì vậy, Bắc Giang đã quản lý cách ly F1 tại nhà trọ làm 2 vòng: Vòng 1 mỗi nhà trọ là một nhà cách ly; vòng 2 là cả khu nhà trọ đều được phong tỏa và giám sát như một khu cách ly tập trung. Và mô hình nhà trọ an toàn ra đời, hiện vẫn đang áp dụng tại Bắc Giang, cho thấy có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19.
Triển khai cách ly 7 ngày với người có “hộ chiếu vaccine”
Quảng Ninh đang chuẩn bị kế hoạch cho triển khai cách ly y tế 7 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccin phòng COVID-19 (hộ chiếu vaccine) và đã khỏi bệnh trong 12 tháng qua. Trong những ngày vừa qua, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh để chuẩn bị các phương án triển khai thí điểm. Hiện nay, theo tỉnh Quảng Ninh, còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi.
Đó là chưa có đủ cơ sở để xác nhận tính pháp lý các hồ sơ của đối tượng nhập cảnh áp dụng thí điểm, gồm: Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, danh sách các loại vaccine được phép áp dụng trong Hướng dẫn thí điểm, giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, còn ít tài liệu để hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, giám sát người cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú; chưa có sự đồng thuận của các tỉnh/ thành phố áp dụng triển khai đón, tiếp nhận, quản lý, giám sát người hoàn thành cách ly tập trung về cách ly tại nơi cư trú; từ trước đến nay, mới chỉ được hướng dẫn xét nghiệm kháng nguyên mà chưa được hướng dẫn triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2...
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, có 2 vấn đề cần phải bàn và hướng dẫn. Thứ nhất, phải hướng dẫn địa phương để làm sao thực hiện tốt kỹ thuật xét nghiệm đối với trường hợp nhập cảnh. Phải tập hợp hướng dẫn về kỹ thuật xét nghiệm kháng thể, đây là 1 yếu tố để quyết định có được cách ly 7 ngày hay không.
Thứ 2 là ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề theo dõi đối tượng cách ly 7 ngày. "Chúng ta phải làm thật tốt, đặc biệt là phải hướng dẫn ngay từ đầu đối với những người tổ chức thủ tục nhập cảnh tại sân bay cũng như những nơi tổ chức cách ly tập trung và đặc biệt sau khi hết cách ly tập trung", ông Tuyên nêu rõ.
Đánh giá về thí điểm cách ly y tế 7 ngày đối với người nhập cảnh tại Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc thí điểm nếu thành công sẽ làm giảm thời gian cách ly y tế tập trung với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine và đáp ứng các yêu cầu các xét nghiệm xuống còn 7 ngày; góp phần làm giảm tải đối với các khu cách ly, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực với công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Quảng Ninh đã dự thảo các kế hoạch triển khai cũng như phân công cụ thể trách nhiệm cho các sở, ban, ngành. Tuy nhiên, để thí điểm thành công, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế lưu ý, Quảng Ninh phải sớm ban hành kế hoạch để triển khai, tổ chức tập huấn cho tất cả các đối tượng liên quan về việc triển khai; chuẩn bị tất cả năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hạ tầng, công nghệ thông tin, năng lực xét nghiệm.
Bà Hương cũng cho biết, để việc triển khai được khả thi, Quảng Ninh cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; từng đơn vị phải đảm bảo đúng nhiệm vụ được phân công. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đảm bảo vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin được liên tục, thông suốt. Bộ Ngoại giao cần phải thông báo yêu cầu đối với người nhập cảnh, có hướng dẫn cụ thể để xác thực các giấy chứng nhận như giấy chứng nhận tiêm vaccine, giấy xét nghiệm…
Bộ Giao thông vận tải cần điều tiết để có chuyến bay về Vân Đồn và nên có buổi triển khai diễn tập. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm. Cuối cùng UBND tỉnh cần chủ động và triển khai quyết liệt để thí điểm.