Những dấu ấn mạnh mẽ trong điều trị COVID-19

Thứ Ba, 05/01/2021, 10:10
Gần 1 năm trôi qua, thế giới chao đảo đối mặt với đại dịch COVID-19. Một đại dịch mới lần đầu xuất hiện, từ mày mò nghiên cứu phác đồ điều trị ban đầu, giờ đây công tác điều trị COVID-19 của các thầy thuốc Việt Nam đã đi vào thường quy.

Tới nay, Việt Nam đã có 1.482 ca mắc COVID-19, chữa khỏi cho 1.337 ca, trong đó có ca bệnh nguy kịch; ghi nhận 35 ca tử vong, đều là các ca có bệnh nền. Có thể nói, thành công trong điều trị COVID-19 của Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong y khoa thế giới.

Dốc sức điều trị cho một đại dịch mới

Gần 1 năm trôi qua khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên xâm nhập vào nước ta, từ những bỡ ngỡ ban đầu về một căn bệnh mới, đến nay công tác điều trị COVID-19 của chúng ta đã thuận lợi với nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút.

Theo chia sẻ của BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, COVID-19 là bệnh lý mới nên giai đoạn đầu các bác sĩ không biết diễn biến sinh bệnh học như thế nào, tất cả các phương án điều trị đều chỉ căn cứ vào những hiểu biết của mình qua việc đọc tài liệu nước ngoài đã làm trước đó và mình làm theo, hoặc những suy ra từ kiến thức, kinh nghiệm của mình nhưng lại trên cơ sở là các bệnh lý khác như cúm, SARS...

Việt Nam đã thành công trong điều trị nhiều ca bệnh COVID-19 nặng.

Sau 2 ca bệnh nặng đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ áp dụng đúng như sách thì diễn biến rất nặng và một trong hai ca đó buộc phải chạy ECMO. 3 ca tiếp theo có hướng thay đổi phương án điều trị nhưng cũng đều chưa rõ ràng.

Nhưng một loạt ca tiếp nhận về sau thì qua theo dõi, có thể đã hiểu hơn về cơ chế bệnh sinh của COVID, rút kinh nghiệm, có bước cải tiến thì có bệnh nhân đáp ứng tốt phương án điều trị mới. Trong 18 bệnh nhân nặng trong giai đoạn 2 của dịch, nếu áp dụng như 2 ca đầu thì phải có 12 ca thở máy, nhưng việc cập nhật, thay đổi phương pháp điều trị đã giảm bớt xuống chỉ còn 7 ca thở máy, giảm bớt nguy cơ phải chạy ECMO.

“Thành công này không chỉ có ý nghĩa với bệnh viện, mà còn với ngành y tế. Kinh nghiệm này có thể chuyển giao đến các đơn vị y tế khác, giúp giảm thiểu nguy cơ cho các bệnh nhân tương tự khác. Thứ hai là tránh nhu cầu gia tăng máy thở đến mức khủng hoảng như đã xảy ra ở một số nước khác…

Hơn nữa, nếu bùng dịch ở thời điểm đó, với Việt Nam, nỗi lo không phải là thiếu máy thở, mà số bác sĩ giỏi có thể vận hành được máy thở, máy ECMO và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng không nhiều, nên dù Chính phủ có mua kịp máy thở, máy ECMO, nhưng đào tạo kịp số người sử dụng được máy thở thì gần như không có khả năng”, bác sĩ Cấp chia sẻ. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu ở thời điểm đó là hạn chế ca thở máy và an toàn cho bác sĩ và điều dưỡng bằng chiến lược của mình. Mục tiêu của ngành y là bảo vệ được số bệnh nhân nhiễm bệnh thì sẽ bảo vệ được sự an toàn cho bác sĩ.

Cả giai đoạn hai của đại dịch, chúng ta đã giữ được thành quả được thế giới ghi nhận, đó là không có ca tử vong. Những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch phải chạy ECMO như bệnh nhân 19, 26, phi công người Anh… đã được cứu sống một cách ngoạn mục

Đến những “trận đánh” khốc liệt

Trò chuyện với Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – người đã trực tiếp chỉ huy công tác điều trị trong các “trận đánh” từ ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Ninh Thuận (Bình Thuận) đến Đà Nẵng, chúng tôi mới hiểu hết, đằng sau thành quả mà chúng ta đạt được là những vất vả và “cân não” cẳng thẳng của người thầy thuốc, của Tiểu ban Điều trị, của các chuyên gia hội chẩn bệnh nhân nặng.

BS Nguyễn Trọng Khoa nói, nếu ổ dịch ở Sơn Lôi chúng ta phong tỏa một xã, thì ổ dịch ở Đà Nẵng khốc liệt hơn nhiều. Khốc liệt bởi ổ dịch xảy ra ở bệnh viện, lường trước có nhiều người bệnh nặng nằm điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu, tim mạch, chạy thận nhiễm bệnh, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, dịch xảy ra ở bệnh viện sẽ có nhân viên y tế mắc bệnh – đây là điều đáng lo ngại vì chúng ta phải giữ được nhân viên y tế an toàn mới có lực lượng cứu chữa người bệnh.

Và điều khốc liệt nhất đã xảy đến, chúng ta phải đóng cửa và phong tỏa 3 bệnh viện trong một thành phố. Khi đó, Bộ Y tế đã tính toán, số lượng ca mắc có thể lên tới hàng trăm người trong vài ngày, và đỉnh dịch là trong 10 ngày bắt đầu có ca bệnh. 

Với vai trò là Đội trưởng Đội Điều trị, dưới sự chỉ huy của Tổng Chỉ huy – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ông cho biết, hai tuần đầu là thời gian cực kỳ căng thẳng khi các bác sĩ ICU hàng đầu Đà Nẵng trong diện cách ly hết. Một khối lượng công việc đồ sộ yêu cầu phải giải quyết trong thời gian ngắn. Có ngày Đà Nẵng phát hiện 45 bệnh nhân dương tính, cơ sở điều trị thiếu, bệnh nhân nặng lại ngày một tăng.

Thứ trưởng Sơn đã yêu cầu thiết lập 3 đơn vị ICU; Bộ Y tế đã huy động lực lượng bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của cả nước vào chia lửa. Đã có hàng chục cuộc hội chẩn, những cuộc họp xuyên đêm, những chuyến di chuyển cả trăm cây số để nắm tình hình, đã có những bác sĩ kiệt sức vì làm việc liên tục, chịu nóng nực trong bộ quần áo kín mít…song họ đều quyết tâm không gục ngã, mà phải “đánh nhanh, thắng nhanh”. 

Giai đoạn này, căng thẳng và cân não nhiều nhất là điều trị cho các ca bệnh nặng, đặc biệt áp lực đè nặng khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên là BN428. Có những ngày, chúng ta phải chấp nhận 4 ca tử vong.

“Thời điểm đó chúng ta không có kỳ tích xuất hiện như bệnh nhân người Anh. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã nói trong group: Mỗi ca tử vong như xát muối vào lòng. Chúng ta không muốn điều đó nhưng y học cũng có mức độ giới hạn, không thể làm hơn được. Mọi lực lượng giỏi nhất, phương tiện tốt nhất đã sử dụng hết rồi. Nhưng đối với những người có bệnh nền nặng kèm COVID-19 thì đây là thời điểm khó khăn nhất”, BS Khoa nói.

Trong những ngày u ám đó, niềm vui đã đến khi chúng ta điều trị thành công cho ca bệnh rất nặng đầu tiên – BN582. Đây là động lực và là niềm tin thôi thúc đội ngũ bác sĩ điều trị tiếp tục cuộc chiến gian khổ và căng thẳng. Mặc dù điều trị trong một hoàn cảnh thiếu thốn về cơ sở vật chất, con người, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, với những kinh nghiệm và quyết sách đúng đắn, kịp thời, thần tốc, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã dập dịch thành công. Con số tử vong dừng lại ở 35 và Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có số ca mắc và tử vong thấp.

BS Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ, giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta không kiểm soát tốt dịch tại bệnh viện thì dịch có thể bùng phát ra bất kỳ bệnh viện nào. Từ ổ bệnh viện, dịch có thể bùng phát, khi đó sẽ mất nhiều nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng mà hiệu quả không cao.

Trần Hằng
.
.
.