Những cặp vợ chồng hiếm muộn "trúng số" trên hành trình tìm con

Thứ Năm, 22/08/2019, 13:48
10 cặp vợ chồng vô sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chưa kiếm được mụn con, đã từng tuyệt vọng, cô đơn và khát khao cháy bỏng nhưng vì hoàn cảnh, họ phải tạm gác lại giấc mơ có tiếng cười trẻ thơ. Tưởng chừng không còn cơ hội tìm kiếm con yêu, nhưng họ đã vỡ òa trong hạnh phúc khi họ được miễn hoàn toàn chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) lên tới 90 đến hơn 100 triệu đồng/trường hợp.

Đây là ý nghĩa nhân văn trong chương trình Tuần lễ Vàng 2019 của Bệnh viện (BV) Nam học và hiếm muộn Hà Nội, giúp các căp vợ chồng có thêm nhiều hy vọng làm cha, làm mẹ.

10 cặp vợ chồng mà chúng tôi gặp tại Lễ công bố và trao quyết định hỗ trợ 10 ca TTTON miễn phí của BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội vào ngày 21-8 đều là 10 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với họ, để tìm kiếm mụn con đang là ước mơ xa vời vì họ không có tiền TTTON. Hầu hết họ đều mắc vô sinh đã nhiều năm, có người trải qua nhiều lần bơm tinh trùng và thụ tinh nhưng không thành công. 

BS Lê Thị Thu Hiền trao quyết định miễn phí TTTON cho các cặp vợ chồng

Vợ chồng anh Nguyễn Bá Công và chị Phan Thị Lan (xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vô sinh không rõ nguyên nhân, cưới nhau 8 năm thì họ mất 7 năm đi chạy chữa, từng bơm tinh trùng 2 lần nhưng không thành công. Anh Công làm phụ hồ, vợ làm ruộng, năm 2018 họ vay mượn tiền làm TTTON ở BV Bưu Điện nhưng thất bại. Tưởng đã hết hy vọng vì không còn tiền đi làm TTTON nữa, nhưng vợ chồng họ lại vô cùng bất ngờ khi mình là một trong 10 cặp vợ chồng may mắn được thụ tinh miễn phí. “Lúc nhận được tin này, tôi òa khóc, mẹ tôi hay tin cũng mừng quá, ôm tôi khóc” – chị Lan chia sẻ. 

Vợ chồng anh Nguyễn Bá Công đang nghe BS Lê Thị Thu Hiền tư vấn để chuẩn bị làm TTTON miễn phí

Theo BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc BV Nam học và hiếm muộn, kiêm Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản cho biết, đây là trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, BV sẽ tìm nguyên nhân để tìm cách điều trị và sẽ làm những gì tốt nhất để tăng tỷ lệ có thai cao nhất cho bệnh nhân.

Chia sẻ với phóng viên, vợ chồng thầy giáo bản Quách Văn Thị và Nguyễn Thị Hồng Tiến (thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên), họ hạnh phúc cho biết. “Chúng em thấy mình như đang nằm mơ, còn hơn trúng số độc đắc. Với thu nhập của vợ chồng em, không biết tới khi nào mới có tiền để đi TTTON”.

Thầy giáo Thị sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 người con ở Hòa Bình. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm thầy vẫn không xin được việc làm. Năm 2013 thầy Thị kết hôn, nhưng 3 năm mong đợi vợ chồng họ vẫn không có mụn con. Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, thầy vay thêm tiền, dẫn vợ xuống 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám. Kết quả thấy tinh trùng yếu, vợ lại đa nang buồng trứng, nhưng do không có tiền nên vợ chồng họ đành gác lại việc chạy chữa. 

Trước khó khăn của cuộc sống, thầy Thị xin lên miền núi làm giáo viên âm nhạc tại Trường PTDT bán trú tiểu học Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Vợ thầy khăn gói quả mướp đi theo chồng, làm nấu ăn tại trường. Do thường phải tới các điểm trường trong bản dạy học, cuộc sống vất vả, khó khăn, xa xôi khiến hai vợ chồng họ không có điều kiện đi bệnh viện chữa vô sinh. Nhiều năm trôi qua, mơ ước có mụn con cứ thế xa vời.

Niềm vui của vợ chồng thầy giáo Thị trên hành trình đi tìm con yêu

“Tháng 6/2019, tình cờ qua mạng xã hội em biết thông tin BV Nam học hỗ trợ miễn phí 10 ca TTTON, nhưng em nghĩ mình chẳng có may mắn đó nên không nói với chồng. Nhưng số phận run rủi, chồng em biết tin thông tin đã bàn với vợ, tranh thủ dịp nghỉ hè xuống BV khám xem sao. Hai vợ chồng làm hồ sơ, về nhà thấp thỏm mong đợi. Mãi không thấy BV gọi, em đã hết hy vọng. Nhưng thật bất ngờ, ngày 17-8 vừa qua, em nhận được điện thoại của BV thông báo xuống Hà Nội nhận quyết định hỗ trợ miễn phí TTTON. Vợ chồng em mừng quá, chỉ biết ôm nhau khóc” – Tiến kể lại. 

Trò chuyện với cặp vợ chồng người dân tộc Dao ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái – Triệu Văn Sơn và Triệu Thị Liên, chúng tôi thầm mừng cho họ. Hoàn cảnh của vợ chồng Sơn đặc biệt khó khăn, lấy nhau 9 năm nhưng không có con do Liên bị tắc hai bên vòi trứng. Nhà ở sâu trong thôn Kim Long, mỗi lần ra huyện, họ phải đi qua 4 con suối, 2 cầu dây, dù thu nhập chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn một tháng từ trồng quế và cây lâm nghiệp, nhưng sau 5 năm lấy nhau, họ gom góp được một tí tiền xuống BV Nam học và hiếm muộn mổ thông tắc vòi trứng. Nhưng mổ xong thì vợ chồng họ không còn tiền, đành quay về không điều trị tiếp. 

Áp lực dư luận khiến Liên đã nói tới chuyện ly hôn để chồng lập gia đình mới, có con. Nhưng yêu vợ, Sơn nhất quyết không đồng ý, nếu đến tận cùng không có con, họ sẽ xin con nuôi. Tình yêu này khiến Liên vô cùng cảm động. Và may mắn đã mỉm cười khi họ được thụ tinh miễn phí.

 “Tôi rất cảm ơn chương trình nhân văn này của BV, nếu không có chương trình, những người nghèo như chúng tôi không có điều kiện trên hành trình đi tìm con”- Liên xúc động cho biết.

Nềm hy vọng của cặp vợ chồng người dân tộc Dao khi chuẩn bị TTTON miễn phí

Theo BS Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, BV hỗ trợ hoàn toàn chi phí làm TTTON cho 10 cặp vợ chồng, tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần TTTON có thể lên đến hàng trăm triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi…Đặc biệt, nếu chuyển phôi lần đầu không được, BV miễn phí chuyển phôi lần hai cho BN, đây là gói hỗ trợ không thông báo trước. Ngoài ra, BV sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó để nộp hồ sơ, nghĩa là bệnh nhân không phải bỏ ra bất kỳ khoản chi phí nào. 

Theo BS Lợi, ngoài 10 trường hợp trên, BV còn hỗ trợ 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tuy chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ là gia đình anh Chung Hữu Hưởng và chị Nguyễn Thị Nhung (xã Vật lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) 30 triệu đồng.

"Với những ca được chọn để nhận sự hỗ trợ lần này, đội ngũ bác sỹ của BV sẽ nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân"-BS Nguyễn Khắc Lợi cho biết.




Trần Hằng
.
.
.