Nhóm người nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao
Tình trạng kháng thuốc trong điều trị HIV và tới đây các tổ chức quốc tế đang cắt giảm hỗ trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đang đặt ra những thách thức cho chúng ta. Nếu không có những giải pháp phù hợp, căn bệnh thế kỷ có nguy cơ bùng phát, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường, nhất là trong bối cảnh dịch HIV ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2015 (10/11 đến 10/12) và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, tại sao Việt Nam lại chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” cho “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” năm nay?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đề ra rất quan trọng: Nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Nếu 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định sẽ cho thấy chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Như vậy, nếu đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên Hợp Quốc đề ra.
Nhưng hiện các chỉ tiêu của ta còn khá xa so với mục tiêu Liên Hợp Quốc đề ra. Việt Nam mới có khoảng 78% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, khoảng 45% người nhiễm HIV được điều trị ARV và cũng chưa tổ chức xét nghiệm được tải lượng virus thường quy nên chưa có số liệu chính xác. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và người dân trong nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng phải điều chỉnh thích hợp với tình hình.
TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. |
PV: Xin ông chia sẻ những thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Đó là HIV/AIDS hiện vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số lũy tích HIV+ tiếp tục tăng cao, trên 200.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời. Mỗi năm vẫn có 12.000 người nhiễm HIV mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, tác động lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Mức độ bao phủ chương trình vẫn còn hạn chế, từ dự phòng, can thiệp giảm hại, đến xét nghiệm và điều trị, đều chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS.
Một thách thức nữa là, nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, nhưng đang cắt giảm nhanh, trong khi nguồn tài chính trong nước như ngân sách, bảo hiểm y tế (BHYT) chưa kịp bù đắp. Nguồn lực cắt giảm nhưng các chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS tiếp tục tăng cao như mục tiêu 90-90-90, điều trị Methadone cho 80.000 bệnh nhân. Khi các tổ chức quốc tế cắt giảm hoặc không chi trả nữa, dẫn đến thiếu hụt nhân lực phòng, chống HIV/AIDS.
PV: “Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV” cũng là khẩu hiệu của Tháng hành động năm nay. Nhưng biện pháp thực hiện thế nào mới là quan trọng, thưa ông?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Điều trị bằng thuốc kháng virus ARV giúp người nhiễm HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, đồng thời giảm khả năng lây lan HIV. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt, người nhiễm HIV vẫn có tuổi thọ tương đương những người không bị nhiễm HIV. Do vậy chúng ta chủ trương mở rộng và điều trị sớm với việc nâng ngưỡng bắt đầu điều trị ARV cho người nhiễm HIV theo khuyến cáo của WHO, tức là điều trị ngay ARV khi phát hiện nhiễm HIV cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, biên giới, hải đảo vv… Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh BHYT ban đầu, đồng thời, tổ chức điều trị ARV trong các trại giam, Trung tâm 06.
Khi nguồn lực tài trợ quốc tế giảm, chúng ta xác định BHYT là giải pháp đảm bảo bền vững trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Do vậy cần tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của BHYT để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.
PV: Thưa ông, để vượt qua những thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS, tới đây, ngành Y tế sẽ tập trung vào những vấn đề nào để có thể kiểm soát được dịch bệnh?
TS. Nguyễn Hoàng Long: Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS, phải triển khai đồng bộ từ dự phòng, chẩn đoán, đến chăm sóc, điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại đòi hỏi ưu tiên tập trung vào các địa bàn có dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao. Triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng chính, như thay đổi hành vi, mở rộng việc phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone. Mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng, xét nghiệm HIV tại tuyến huyện. Việc điều trị ARV được tổ chức thực hiện theo tiêu chuẩn mới. Tất nhiên, để triển khai được những nhiệm vụ này, điều quan trọng là phải đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh nguồn lực viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh như hiện nay.
PV: Cám ơn ông đã trao đổi!