Nhiều sản phụ tự sinh con và hậu quả đau xót
- Sản phụ 16 tuổi có dấu hiệu tâm thần tự sinh con ở nhà
- Tự sinh con tại nhà: Rất nguy hiểm và phản khoa học
Trẻ tử vong vì mẹ sinh con ở nhà
Tới Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi gặp vợ chồng Mùa A Chư và Hàng Thị Ly (trú tại bản Tà số 1, xã Chiềng Hắc) đang thấp thỏm bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt. Con gái mới sinh của anh Chư là cháu Mùa Thị Duyên đang được các bác sĩ chăm sóc toàn diện. “Vợ chồng em ân hận lắm. Nếu có sinh con lần sau, em không dám để vợ tự sinh tại nhà nữa”, Chư nói.
Bác sĩ Phạm Thị Tươi thăm khám cho cháu Mùa Thị Duyên. |
Chư năm nay 23 tuổi, còn vợ 19 tuổi nhưng họ đã có 2 con gái. Ngày 16/11 vừa qua, còn cách ngày dự sinh 10 hôm, vợ Chư chuyển dạ. Bệnh viện huyện cách nhà 35km, Chư không đưa vợ tới trạm xá xã, mà sinh ở nhà. Mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, dùng kéo cắt rốn. 6 ngày sau, cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Hắc đến gia đình tuyên truyền cho trẻ tiêm phòng viêm gan B, lao… Sau tiêm 1 ngày, trẻ có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc, gia đình mới đưa cháu bé tới bệnh viện.
Trao đổi với chúng tôi, BSCK I Phạm Thị Tươi, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cho biết: Cháu Duyên vào nhập viện trong tình trạng rất nặng, bỏ bú, lờ đờ, suy hô hấp. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, theo dõi 3 tiếng, cháu có cơn cứng hàm rất điển hình của uốn ván, không bú được, phải đặt xông và nuôi dưỡng tĩnh mạch. Qua siêu âm thóp, chúng tôi đánh giá trẻ có dấu hiệu xuất huyết não do không được tiêm vitamin K sau sinh.
Theo BS Tươi, đây là ca bệnh điển hình của tự sinh tại nhà đang tồn tại ở nhiều bản vùng cao của Mộc Châu. Qua khai thác tiền sử của người bệnh được biết, trước đó, cán bộ Trạm Y tế đã đến tận nhà vận động Ly tiêm phòng uốn ván trước sinh, nhưng gia đình không đồng ý do sợ có tai biến. Trẻ được cắt rốn bằng kéo giội qua nước nóng, buộc bằng dây không được sát khuẩn. Sau khi trẻ sinh tại nhà, gia đình thấy trẻ khỏe mạnh nên cũng không đi thăm khám. Khi trẻ bỏ bú, gia đình đổ lỗi do tiêm phòng.
“Trường hợp này chúng tôi đã giải thích, tư vấn rất kỹ cho gia đình, yêu cầu gia đình phải rút kinh nghiệm. Qua 7 ngày điều trị và chăm sóc toàn diện theo phác đồ, cháu không còn co giật, não đang đợi hồi phục”, BS Tươi đánh giá.
BS Phạm Thị Tươi còn kể, đau xót hơn là trường hợp tự đẻ ở xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Sản phụ sinh lần 2 (lần đầu sinh mổ), trong quá trình mang thai, người mẹ có khám thai định kỳ, bác sĩ khuyến cáo nếu có dấu hiệu bất thường phải vào viện. Tuy nhiên, ngày sản phụ có dấu hiệu sinh con, chồng sản phụ trực tiếp đỡ đẻ cho vợ tại nhà.
Sau 2 giờ đỡ đẻ không thành công, gia đình đã huy động người thân khiêng sản phụ bằng võng vượt qua 7km đường rừng để ra đường cái bắt taxi tới viện. Xe taxi đi được 7km, sản phụ chuyển dạ, buộc phải đưa sản phụ xuống vệ đường đỡ đẻ. Bé trai 3kg chào đời. Nhận được liên lạc của gia đình, bệnh viện cử một kíp bác sĩ vào hỗ trợ. Đáng tiếc, khi tới nơi, bé trai đã gần như tử vong.
Bệnh viện hỗ trợ phương tiện tốt nhất cứu mẹ và bé, nhưng trên đường đi người mẹ đã bị vỡ tử cung. Người mẹ được phẫu thuật cắt tử cung, truyền rất nhiều máu mới cứu được tính mạng. Còn cháu bé đã không qua khỏi.
Cần một chiến lược truyền thông bền bỉ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu) cũng điều trị và cứu sống nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh do tự đẻ ở nhà gặp tai biến. BSKC I Nguyễn Thị Liên, Trưởng khoa Nhi cho biết: Nhiều trường hợp ở bản vùng sâu, vùng xa của huyện Vân Hồ, nhà cách bệnh viện 40-50km, khi chuyển dạ đã không kịp đến viện, tự đẻ tại nhà. Nhưng cũng có trường hợp, người dân không ra trạm xá hay đến viện sinh con, mà tự sinh, người nhà tự đỡ đẻ, cắt rốn bằng dao, kéo. Sau một vài tiếng thấy trẻ tím tái, người nhà mới cho tới viện thì đã suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.
Tuy là bệnh viện tuyến huyện, song nhiều trẻ sinh non, trẻ suy hô hấp đã được hai bệnh viện trên cứu sống. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên đã nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 650g, 28 tuần tuổi, sau 90 ngày trẻ xuất viện, cân nặng gần 2kg. Hay trường hợp thai phụ ở huyện Yên Châu, dự định sinh tại nhà, nhưng 27 tuần tuổi thì sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Trạm Y tế xã không dám can thiệp, phải chuyển tuyến.
Trên đường đi tới Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (cách nhà hơn 40km), thai phụ sinh con trên xe taixi, mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu. Cháu bé được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, cân nặng 1kg. Sau gần 2 tháng dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg.
BS Phạm Thị Tươi cho biết, đẻ tại nhà có rất nhiều tai biến cho cả mẹ và con, mẹ có thể băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, trẻ có thể bị suy hô hấp, tử vong… Song tình trạng này vẫn đang diễn ra. Có nơi, cả bản thai phụ gần như không tiêm phòng uốn ván trước sinh, cán bộ y tế rất khó tiếp cận tiêm phòng cho mẹ và trẻ sơ sinh. Đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông chưa hiểu rõ lợi ích của Chương trình tiêm chủng mở rộng, họ sợ con tiêm vào bị tai biến, nhiều trường hợp trẻ ốm nặng không đến viện mà tìm “cứu cánh” bằng uống thuốc lá, thuốc nam, dẫn tới nhiều trẻ bị ngộ độc, bệnh tình càng nặng hơn. “Rất nhiều trẻ đến với chúng tôi trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao”, BS Tươi đau xót nói.
Trong những năm qua, cán bộ y tế thôn, bản ở vùng cao Mộc Châu, Vân Hồ đã tuyên truyền, vận động người dân hiểu về lợi ích của tiêm chủng mở rộng, cũng như hậu quả của việc tự sinh tại nhà, song theo các bác sĩ nơi đây, để xóa bỏ hủ tục nhiều đời nay của người dân không hề dễ dàng. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện cần phối hợp với Trạm Y tế xã, đặc biệt là y tế thôn, bản tăng cường đẩy mạnh truyền thông một cách bền bỉ, để đưa được kiến thức cơ bản nhất tới cho người dân.