Nhiều người nhập viện vì ăn sản phẩm pate Minh Chay
Ngày 30/8, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 24 đến 30/7, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải sản phẩm pate Minh Chay.
Theo bệnh viện, có hai nhóm bệnh nhân chính, đó là một cặp vợ chồng (SN 1984, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa). Người vợ đang có thai con đầu 19 tuần, chồng bị tăng huyết áp.
Trưa 19/7, cả hai vợ chồng cùng ăn pate Minh Chay, đến 9h sáng hôm sau, người chồng đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, nói khó, sụp mi mắt, không sốt.
Hai ngày sau (21/7), người vợ rơi vào tình trạng tương tự, cả hai được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu cho đến ngày 24/7 chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh trong tình trạng khó thở, nuốt khó, nói khó, sụp mi mắt.
Hiện tại tuy tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng hai vợ chồng đều bị sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi sức cơ từ 2-4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy.
Pate Minh Chay có chứa độc tố làm nhiều người nhập viện |
Nhóm bệnh nhân thứ hai gồm 3 người là bạn bè có độ tuổi từ 20-24 ngụ tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cả 3 người cùng nhau ăn pate Minh Chay ngày 24/7 và lần lượt có biểu hiện đột ngột nôn ói, đau họng, khó nuốt, khó thở. Sau khi nhập điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, cả 3 được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30/7 với tình trạng sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi từ 2/5-3/5.
Cả năm bệnh nhân được điều trị hỗ trợ với: Thở máy, thay huyết tương (5 lần, cách nhật), vitamin nhóm B, dinh dưỡng,…
Trong số 5 người bị liệt có bệnh nhân N.T.N.T (Sn 1996, nữ, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) bị sốt 1 cơn, liệt toàn thân đang phải thở máy.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng có 2 ca nhiễm độc tố botulinum đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện.
Hai bệnh nhân này là chị em tuổi trung niên, sống cùng nhau nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được. Tình trạng bệnh nhân trở xấu khi liệt cơ toàn thân (kể cả cơ hô hấp), do đó bệnh viện phải cho thở máy.
Sau hơn 2 tuần điều trị, người em hồi phục tốt hơn, hiện đã cai máy thở ngắt quãng và cử động được chân tay. Người chị dù đã tỉnh táo nhưng chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang tiếp tục thở máy.
Theo các bác sĩ, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).
Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí). Có khả năng tự tạo ra bào tử (hiểu nom na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát.
Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Trung bình từ 12 – 36 giờ (có thể vài ngày) sau khi khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng sau: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Mặc dù được điều trị tích cực thì tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.
Ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào từ vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí thì các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.
Khác với người lớn, trong đường ruột của trẻ em nhũ nhi bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp) dẫn tới ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cáo cần giữ gìn vệ sinh thực phẩm, ăn những loại thức ăn đã được nấu chín; tránh ăn những thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng; rửa sạch các vết thương ngoài da sau khi bị thương, bôi các loại dung dịch sát khuẩn lên vết thương và yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị sau đó.