Nhiều mối lo về an ninh ở bệnh viện

Thứ Bảy, 15/11/2014, 07:55
Người bệnh, bệnh nặng mới phải lặn lội từ tỉnh xa đến khám, chữa bệnh tại Hà Nội. Thế nhưng, bất chấp sự khốn cùng của họ, các đối tượng phạm pháp đã trộm cắp, thậm chí còn lừa bán thuốc quý chữa khỏi bệnh nan y hay giả làm bác sỹ với lời hứa giúp chữa khỏi bệnh… khiến nhiều người rơi vào tận cùng của khánh kiệt. Nạn trộm cắp, lừa đảo đang ngày một gia tăng khiến an ninh trong bệnh viện trở nên nóng bỏng.

Bán… sắn dây lấy tiền triệu

Liên tiếp các vụ lừa đảo, trộm cắp ở bệnh viện gần đây cho thấy, thủ đoạn của những đối tượng phạm tội ngày một tinh vi, chúng nhằm vào người bệnh đang ở bước đường cùng của sự tuyệt vọng để chiếm đoạt tiền. Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Phó phòng Nghiệp vụ của Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ an ninh Cộng Lực (Công ty Cộng Lực) – đơn vị đang làm công tác bảo vệ cho Bệnh viện Bạch Mai thì thỉnh thoảng lại có bệnh nhân hoặc người nhà đến trình báo mất trộm, bị lừa tiền. Vụ việc xảy ra mới nhất là một bệnh nhân bị u não, chị này là người dân tộc ở một tỉnh miền núi phía Bắc đang điều trị tại Khoa Ung bướu. 

Theo lời kể của bệnh nhân này thì khi chị đang đi ở khu vực hành lang bệnh viện thì được một phụ nữ đến bắt chuyện. Qua vài câu trao đổi, chị biết người phụ nữ này cũng có chồng bị u não đã xạ trị vài lần không khỏi và bệnh viện trả về nhà chờ chết. Như một cơ duyên may mắn, gia đình được một người mách về bài thuốc chữa ung thư rất hay, sau vài lần uống thuốc, bệnh tình của người chồng đã thuyên giảm nhiều, sức khỏe giờ hồi phục. Như người chết đuối vớ được cọc, bệnh nhân này gom góp hết số tiền mang xuống Hà Nội làm phẫu thuật được 7 triệu đồng đi mua “thần dược”. Nữ bệnh nhân gọi số điện thoại mà người phụ nữ kia cho và hẹn gặp người đàn ông bán thuốc. Chị mua 3 viên thuốc với giá 7 triệu đồng và khấp khởi mang về hấp vào nồi cơm. Khi bẻ viên thuốc ra thấy nó giống với vị sắn dây, nữ bệnh nhân choáng váng khóc lóc chạy tới gặp bảo vệ bệnh viện cầu cứu.

Người bệnh phải nêu cao cảnh giác, để tránh bị mất tài sản.

Xác định đối tượng thế nào cũng quay lại Khoa Ung bướu tiếp tục lừa đảo, lực lượng bảo vệ lên kế hoạch rình phục. Nửa tháng sau, đối tượng xuất hiện thì bị mời về Phòng bảo vệ làm việc. Sau một hồi chối quanh co, chị này đành phải khai ra người bán thuốc chính là con trai của chị ta. Mất rất nhiều công sức, lực lượng bảo vệ mới đưa được “lang băm” này về cho nữ bệnh nhân nhận mặt. Theo ông Khôi thì nhóm lừa đảo này có 3 người (đều là mẹ con ruột) do mẹ là Nguyễn Thị Ngọ, SN 1956 ở Đông Nguyên, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cầm đầu; kẻ bán thuốc là con trai của Ngọ và còn có sự giúp sức đắc lực của con gái út. Vụ việc ngay sau đó đã được bàn giao cho cơ quan Công an.

Người bệnh phải nêu cao cảnh giác

Thứ bảy, một ngày cuối tháng 10 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tuy không đông người khám chữa bệnh như ngày thường nhưng anh bảo vệ Tạ Duy My vẫn đi nhắc nhở từng người đang chờ đến lượt khám cảnh giác với nạn trộm cắp, lừa đảo. Cách đây 2 năm, khi tham gia khám sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ do cơ quan tổ chức, chúng tôi từng chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp của mình bị rạch túi xách lấy điện thoại, ví tiền nên hiểu rõ ý nghĩa việc làm của anh My. Sau khi lặng lẽ theo dõi, anh My đi hết dãy phòng khám, phòng chẩn đoán hình ảnh, phòng bệnh… nhắc nhở mọi người, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh. Anh thẳng thắn chia sẻ lâu nay loa phóng thanh của bệnh viện cứ nhắc oang oang, rồi tờ rơi dán nhiều chỗ nhưng hiệu quả vẫn không bằng cách bảo vệ đi nhắc từng người một. Cách này, giúp mọi người phòng trộm, phòng là nạn nhân của bọn lừa đảo khá hiệu quả.

“Nhắc đến như vậy mà hôm vừa rồi lại xảy ra một vụ lừa đảo đấy”, anh My buồn rầu cho biết. Chuyện là, có bệnh nhân đến từ Hà Tây (cũ) mếu máo ra báo với bảo vệ, có một cô ăn mặc khá đẹp đến bắt chuyện. Trò chuyện một lát, cô này nhờ chị cầm hộ cái Ipad để đi ra ngoài có việc. Khi chị vừa cầm cái Ipad thì cô ta làm ra vẻ sực nhớ ra cái gì đó rồi bảo, “chị cho em mượn tạm 500.000đ”. Tin tưởng, chị móc túi lấy tiền cho vay. Thế nhưng, ngồi đợi mãi không thấy cô ta quay lại nên chị đành mở cái Ipad ra xem. Lúc này, chị té ngửa khi thấy, bên trong chiếc vỏ bằng da có vẻ xịn giắt mấy gói tăm “Vip”. Đến lúc này, chị đành đi báo bảo vệ…

Theo anh My, trò lừa đảo này khá tinh vi, đánh vào tâm lý người bệnh là được nhờ cầm tài sản có giá trị lớn. Làm bảo vệ gần 30 năm ở Bệnh viện Phụ sản, anh My đã quen thuộc với các chiêu trò của đối tượng trộm cắp, lừa đảo. Anh cho biết, các đối tượng trộm cắp ở bệnh viện này đều là nữ giới, chúng còn giả vờ là người nhà, bệnh nhân để tìm cơ hội trộm tài sản. Để qua mắt bảo vệ, chúng luôn thủ sẵn trong túi 2-3 cái áo nhằm dễ dàng thay hình đổi dạng. Bởi hoạt động chuyên nghiệp nên đối tượng chúng nhắm đến thường là người có vẻ ở quê lên, chất phác; người giàu có… Khi đã nhắm được con mồi, chúng sẽ lân la làm quen, hỏi chuyện và sơ hở là dùng dao lam rạch túi áo, túi quần, túi xách để lấy cắp tài sản…

 Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2.000 cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng và sinh viên, nhân viên y tế ở các bệnh viện vệ tinh về thực tập, học tập nên các đối tượng trộm cắp, lừa đảo đã lợi dụng việc này để đóng giả là bác sĩ, y tá vào trong phòng bệnh nhân để lừa người bệnh. Bằng rất nhiều nỗ lực, bảo vệ của bệnh viện đã phát hiện và bắt giữ nhiều “bác sỹ rởm” lừa đảo bệnh nhân, có đối tượng thực hiện trót lọt 6-7 vụ. Theo ông Khôi thì khi đi qua cổng viện họ mặc quần áo, vào trong họ mới khoác thêm áo blouse và dễ dàng vào phòng bệnh, tiếp cận bệnh nhân để tư vấn thuốc. Bệnh nhân không biết tưởng bác sĩ thật đã đưa tiền mua thuốc cho chúng rồi chúng lặn mất tăm. Có đối tượng còn đeo ống nghe, đeo thẻ biển hiệu của bệnh viện tuyến huyện để đánh lạc hướng bảo vệ và người bệnh. 

Ông Nguyễn Huy Khôi, Phó phòng Nghiệp vụ Công ty Bảo vệ an ninh Cộng Lực:

Hiện đối tượng trộm cắp ở Bệnh viện Bạch Mai có 3 dạng: người nhà bệnh nhân trộm cắp; bệnh nhân lấy của bệnh nhân và đối tượng lang thang trộm cắp chuyên nghiệp (chiếm 50%). Đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp thường đi thành nhóm (3-5 người), tạo tình huống giả để trộm cắp, sau đó chuyền tay nhau tang vật. Chúng hoạt động vào giờ khám bệnh sáng để móc túi, rạch túi và vào lúc 21-22h, chúng lân la ở khu vực hành lang người nhà bệnh nhân đợi sơ hở là chôm chỉa.

Cao Hồng – Trần Hằng
.
.
.