Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và những ứng phó mới cần đáp ứng

Thứ Sáu, 17/02/2017, 14:28

Theo nhận định của các Chuyên gia Y tế dự phòng, năm 2017 dự báo sẽ có nhiều biến động phức tạp trong các bệnh dịch truyền nhiễm. Trong đó, tại Việt Nam, công tác giám sát phòng ngừa nhiều loại bệnh cần hết sức tập trung như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, đặc biệt là Zika có nhiều diễn tiến mới, bệnh dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút.


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định, Thế giới vẫn đánh giá Zika vẫn là thách thức lâu dài. Tại Việt Nam, dự báo năm 2017 sẽ gia tăng bệnh do vi rút Zika tại tất cả tỉnh thành khu vực phía Nam (KVPN) nếu kế hoạch giám sát và ứng phó, xử lý không triệt để.

Nhiều thông tin mới được công bố qua giám sát các ca bệnh nhiễm Zika cho thấy, di chứng trên trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm vi rút Zika cần được cảnh giác cao độ.

Bộ trưởng thăm hỏi các cháu bé được chích ngừa vắc xin tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý. Đặc điểm nổi trội của vi rút Zika ở KVPN là, 80% người bệnh có triệu chứng lâm sàng rất nhẹ, nhưng đây cũng chính là yếu tố gây lây lan nhanh. Công tác dự phòng phải nắm được điểm này trong giám sát đúng người mắc và người bị lây.
Bộ trưởng nhận lẵng hoa tươi thắm do Lãnh đạo Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TP Hồ Chí Minh trao tặng.
Phòng xét nghiệm, nghiên cứu tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng trao đổi trực tiếp vấn đề chuyên môn với các cán bộ Y tế dự phòng thuộc Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đi khảo sát tại địa bàn quận 2 TP Hồ Chí Minh, khi phát hiện bệnh nhân nhiễm Zika

Cũng theo ông Lân, nước Mỹ là nơi không trong diện khu vực vành đai lưu hành vi rút Zika mà đã chi ra 3,7 tỉ USD cho việc phòng chống Zika để thấy vấn đề y tế này đã rất được quan tâm! Trong đó, cảnh báo đầu tiên của hệ thống Dự phòng trong vấn đề Y tế công cộng về Zika là di chứng "tật đầu nhỏ", sau đó là yếu tố vùng lưu hành. Từ lúc có 25 nước, hiện nay là 85 nước và 4 tỉ người đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này trên Thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông Lân, bệnh lây qua véc-tơ nên việc giám sát rất khó đạt hiệu quả. Đầu tiên vào tháng 1-2016, khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp thì lúc đó mới là cảnh báo chính thức về "dị tật đầu nhỏ" của Zika. Nhưng ngay sau công bố kết thúc, địa bàn mở rộng ra từ 25 nước nay đã lây lan rộng nhiều nước. Trong đó, nhiều tác động, ảnh hưởng của nó gây di chứng trên trẻ nhỏ mà sau này mới công bố sau những đợt khảo sát, giám sát các ca bệnh. Nhiều trường hợp, lúc đầu không phát hiện dị tật đầu nhỏ nhưng sau khi sinh, trẻ được 1 tháng tuổi mới phát hiện tình trạng não không phát triển. Kể cả trong thời gian 1 năm tuổi ở trẻ sinh ra từ bà mẹ có nhiễm Zika, ngoài phát hiện có những dấu hiệu biến đổi về "tật đầu nhỏ", còn có thêm chẩn đoán triệu chứng bệnh Zika bẩm sinh. Rà soát lại, vào tháng 3-2015, tại nước Colombia, ngay gần Braxin, điểm nóng của Thế giới về Zika, cho thấy, khi phát hiện số trường hợp mắc Zika gia tăng nhanh nhưng các ca mắc triệu thứng bình thường. Công tác giám sát không tăng cường ngay, tới tháng 5-2016, phát hiện số ca mắc Zika có triệu chứng "dị tật đầu nhỏ" ngày càng xuất hiện nhiều. Do đó, theo ông Lân: " Như vậy, giám sát Zika không chỉ ở từng thời điểm mà phải là một quá trình. Giám sát 3 tháng đầu của thai kì ở bà mẹ có kết quả dương tính với Zika là cần thiết, nhưng khi ấy thai còn quá nhỏ. Cần thiết phải kéo dài thời gian giám sát trong 6 tháng".        
Bộ trưởng trực tiếp góp ý chuyên môn về công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Y tế dự phòng tại Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh.

Một điểm nữa lưu ý, hiện, ngay cả tại Mỹ, nơi khoa học và Labor xét nghiệm rất phát triển nhưng theo khẳng định của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, với những công nghệ và biện pháp hiện tại, rất khó để kiểm soát bệnh do muỗi lây truyền trong đó có Zika. Ông Lân cho rằng, việc xét nghiệm, chẩn đoán, nhất là ở người bị nhiễm vi rút Zika đã lâu thì rất khó xác định. 30 ngày thậm chí 40 ngày ta mới phát hiện được trong khi bệnh lại chưa có vắc xin phòng chống đặc hiệu.

Riêng tại Châu Mỹ la tinh trong năm 2016, đã dành ra 3,5 tỉ USD phòng chống dịch Zika. Nhưng, các nhà khoa học đã tính, con số bỏ ra như vậy cũng chưa thấm tháp gì khi con số bệnh nhân nhiễm Zika tại Braxin là 1 triệu ca, với việc lo nuôi dưỡng 1 đứa trẻ mắc Zika sẽ ảnh hưởng không chỉ gia đình bệnh nhân mà cả quốc gia. Bởi, theo tính toán tại Mỹ, chi phí điều trị, chăm sóc cho một đứa trẻ bị dị tật đầu nhỏ do Zika lên tới 10 triệu USD/đứa trẻ. Ngoài ra, cứ ở nơi nào có bệnh nhân Sốt xuất huyết thì nơi đó gia tăng bệnh nhân mắc Zika. Cùng cơ chế mắc bệnh do muỗi vằn lây truyền, ta cũng khẳng định Zika tất yếu sẽ có khắp nơi tại KVPN. Tại TP Hồ Chí Minh, có tới 40-60% người nước ngoài, hay du lịch là qua cửa khẩu TP Hồ Chí Minh. Nguy cơ kéo theo việc xâm nhập vi rút Zika vào Việt Nam là khó tránh. Ông Lân cũng cho hay, từ tháng 3-2016 tới nay tại KVPN đã thực hiện lấy 1.143 mẫu xét nghiệm tìm Zika, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Và về cơ bản, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với năng lực chuyên môn và những labor xét nghiệm có thể đảm bảo việc phát hiện ca bệnh mắc vi rút Zika sớm để xử lý ngay khi bệnh nhân nhiễm.

Cũng theo ông Lân, thời gian qua, các nghiên cứu khảo sát của Viện Pasteur khi thực hiện phân lập 4 chủng vi rút Zika lưu hành trên Thế giới, cùng với khảo sát qua các trường hợp phát hiện Zika tại Việt Nam cho thấy, chủng Zika ở KVPN dù có tỉ lệ liên quan "dị tật đầu nhỏ" không lớn nhưng trước tình hình đi lại thông thương giữa người từ Braxin, người từ các nước khác đang lưu hành chủng vi rút Zika nguy hiểm như trên vào Việt Nam thì không thể lường hết được.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng thừa nhận, tình hình dịch bệnh Zika tại Việt Nam vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với 227 ca nhiễm bệnh trên toàn quốc. Trực tiếp chỉ đạo tại cuộc họp trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã nêu rõ: "Trong năm 2017, ngành Y tế cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, giám sát trọng điểm các loại bệnh truyền nhiễm: bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, Zika, dịch hạch; hoàn thiện Văn phòng EOC, đặc biệt là đánh giá nguy cơ một số dịch bệnh mới nổi, duy trì và nâng cao tiêm chủng đạt trên 90% quy mô xã phường và trên 95% quy mô huyện. Bên cạnh đó, truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp truyền thông đại chúng, chủ động cung cấp và báo cáo thông tin chính xác, kịp thời về dịch bệnh, tập trung hoạt động truyền thông làm thay đổi hành vi của từng người dân. Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố chuẩn bị kinh phí, test kit, sinh phẩm, thuốc, hóa chất, vắc xin phòng chống dịch…Tất cả đòi hỏi phải tăng cường hành động, thiết lập kế hoạch đáp ứng lâu dài".

Cũng trong sáng ngày17-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã dẫn đầu đoàn công công tác, trực tiếp tham quan, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, góp ý cho các lãnh đạo các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế dự phòng tại KVPN, gồm: Viện Pasteur, Viện Sốt rét -Kí sinh trùng- Côn trùng TP Hồ Chí Minh, Viện Y tế công cộng, và Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh xung quanh các vấn đề về cơ sở vật chất, phòng ốc, nhân sự, các trang thiết bị cho hoạt động dự phòng, chủ động phòng chống dịch bệnh, đáp ứng tình hình mới.

Tại các cơ sở, Bộ trưởng đã trực tiếp đến tận các khoa, phòng nghiên cứu, các phòng xét nghiệm, vi sinh…hỏi han cán bộ làm việc ứng dụng những kiến thức thực tiễn cũng như góp ý tại chỗ những mặt được và mặt cần khắc phục trong công tác. Bộ trưởng cũng cho biết, trong đợt kiểm tra này sẽ đặc biệt quan tâm thêm tới việc đổi mới toàn diện của các đơn vị thuộc Hệ thống Dự phòng KVPN nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng, môi trường xanh - sạch - đẹp đến thái độ phục vụ cũng như chất lượng chuyên môn.

Chiều 17-2, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 4 cơ sở Dự phòng thuộc KVPN trên tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, với mong muốn được lắng nghe ý kiến, trình bày khó khăn cũng như đề xuất của các đơn vị với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất trong hoạt động Y tế dự phòng KVPN, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hệ thống Y tế Dự phòng.

Huyền Nga
.
.
.