Nghi án lừa đảo trong quảng cáo "thần dược" chữa cận Nanodrops
- Thuốc giả: Kinh doanh mạng sống
- Bỏ tù băng nhóm bán thuốc giả cho các bệnh viện
- Điều tra nghi án hối lộ để bán thuốc giá cao
- Cuộc chiến với nạn thuốc giảm đau và thuốc giả
- Thuốc giả vẫn là vấn nạn đau đầu
- Thuốc giả - hành trình những đồng tiền máu
Tháng 2-2018, các nhà khoa học Israel công bố thử nghiệm thành công nước nhỏ mắt chữa cận Nanodrops trên lợn và cho biết đến tháng 10-2018 sẽ thử nghiệm trên người. Ấy vậy mà ở Việt Nam, tháng 4-2018 đã xuất hiện một số trang mạng bán hàng này với giá 20.55 USD/lọ (khoảng 500.000 đồng).
Trên fanpage mang tên “NanoDrops Israel - Thuốc nhỏ mắt chữa cận” tự giới thiệu là của Nanodrops eyes company Việt Nam, cho biết họ “là nhà phân phối độc quyền Nanodrops từ nhà cung cấp Israel. Sản phẩm đã được cấp phép nhập khẩu chính thức vào Việt Nam và có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn của Bộ Y tế”.
Quảng cáo Thuốc nhỏ mắt Nanodrops như thần dược |
Chỉ sau gần 3 tuần đăng, bài viết này đã nhận được hơn 9.000 lượt like cùng hơn 5.200 lượt chia sẻ, cho thấy thấy sự quan của mọi người đến loại ‘thuốc chữa cận” này.
Với những gì mà các trang này quảng cáo, nhiều người đã tin tưởng. Trong group “Thế giới nhãn khoa” của các bác sĩ chuyên khoa mắt cũng bàn tán xôm tụ vấn đề này và một số bác sĩ cho hay đã có nhiều bệnh nhân hỏi để sử dụng Nanadrops.
Ths.Bs Nguyễn Tiến Phúc (Phòng khám mắt EyeZone Hải Phòng) cho biết, có nhiều bệnh nhân đã hỏi anh về thuốc này. Nhưng theo các nhà khoa học Israel công bố thì Nanadrops chưa được thử nghiệm trên người. Do đó, không thể có loại thuốc đang thử nghiệm mà lại có mặt tại nước ngoài được.
Một số bác sĩ nhãn khoa cũng phân tích: Thuốc do Israel nghiên cứu đang ở giai đoạn thử nghiệm pha II mà đã có chế phẩm (dạng thương mại) lại còn đăng ký công ty ở Iran (quốc gia đối địch với Isarel). Còn kiểm nghiệm của Viện Pasteur
thì nói là các thành phần hóa lý chứ có kiểm nghiệm thành phần, dược động học, tác dụng gì.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy những “công bố”, “chứng nhận” mà các trang này đưa ra là giả mạo. Tìm trên google mỏi mắt cũng không thấy đơn vị nào là Nanodrops eyes Co. dù được quảng cáo “là đơn vị xuất khẩu lớn nhất của Israel trên toàn thế giới.”
Cũng tìm trên google, bác sĩ Phúc đã phát hiện ra giấy chứng nhận Organnic Certificate của Nanadrops giống y chang giấy chứng nhận của một sản phẩm khác là nghệ tây và hoa quả khô, từ mã số đăng ký đến ngày đăng ký, ngày hết hạn và đặt câu hỏi “không lẽ thuốc tra mắt chữa cận thị được làm từ hoa quả khô?” Chưa kể, HACCP chỉ áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi… chứ liên quan gì đến nước nhỏ mắt?
Người viết bài này cũng liên hệ theo số máy tư vấn được ghi trên trang bìa, nhưng chỉ có tiếng chuông đổ mà không có người nghe máy.
Điều này cho thấy những dấu hiệu lừa đảo rất rõ. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng người tin theo, đặt mua. Không biết đến giờ này, đã có bao nhiêu nạn nhân cả tin vung tiền cho kẻ lừa đảo?
Trong khi đó, theo các chuyên gia nhãn khoa, Nanodrops không chữa được cận thị mà chỉ là một biện pháp thay thế cho đeo kính, giống như kính áp tròng. Nanodrops chứa các hạt nano có thể bám hoặc “thấm” vào giác mạc, làm thay đổi tính chất chiết quang
Về cơ bản, nhỏ Nanodrops vào mắt giống việc “in” một chiếc kính áp tròng siêu mỏng vào giác mạc. Nhưng việc này cũng không đơn giản. Các nhà khoa học phải đo đạc và mô hình các sai hỏng trên giác mạc, rồi mới tạo ra một mô hình chiếu laser theo các sai hỏng đó.
Đặc biệt, các nhà khoa học Israel từ chối đề cập đến việc Nanodrops sẽ duy trì hiệu quả của nó trong thời gian bao lâu. Bởi các hạt nano trong giác mạc có thể sẽ bị đào thải dần, điều trị cũng sẽ mất dần tác dụng. Khi đó, bệnh nhân cận thị sẽ tiếp tục phải chiếu laser và nhỏ lại thuốc một lần nữa. Rõ ràng, thuốc nhỏ mắt chữa cận thị hoàn toàn không phải như lời quảng cáo.
Vì thế, trước mắt, mong mọi người hãy cẩn trọng khi sử dụng một loại “thuốc” có nhiều nghi vấn về nguồn gốc, kẻo “lợn lành chữa lợn què”, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để người dân tránh bị lừa.
PV Báo CAND cũng đã đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phối hợp làm rõ việc nước nhỏ mắt Nanodrops có được Bộ Y tế cấp như quảng cáo hay chưa. Thông tin từ Bộ Y tế sẽ được chúng tôi chuyển đến bạn đọc ngay khi có.