Nhiều ca viêm màng não nhập viện do chưa được tiêm phòng

Thứ Tư, 24/04/2019, 19:59
Không tiêm phòng vaccine hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ đã khiến nhiều trẻ em bị viêm não - màng não do vi khuẩn có thể gây tử vong trong 24 giờ, hoặc có thể gây tàn tật suốt đời. Đây là thời gian cao điểm của bệnh viêm não - màng não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản, nên người dân phải hết sức đề phòng, đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.


Nhiều ca bệnh nặng đang điều trị

Có mặt tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vào sáng 24/4, chúng tôi chứng kiến khoảng 30 ca bệnh viêm não - màng não đang được điều trị tại đây. Các bệnh nhi hầu hết đều bị biến chứng nặng, có bé bị tổn thương thần kinh. 

Nhiều ca viêm não phải vào BV Nhi trung ương điều trị

Đáng thương nhất là cháu bé hơn 6 tháng tuổi ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhập viện đến nay đã được 2 tháng 10 ngày. Mẹ cháu – chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Khi cháu được 4 tháng tuổi có biểu hiện li bì, không quấy khóc, tôi cho con tới bệnh viện huyện khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi. Điều trị 2 ngày chuyển lên bệnh viện tỉnh vẫn bảo viêm phổi. Hôm sau cháu sốt và được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Kết quả chọc dịch não tủy cháu bị viêm màng não mủ do phế cầu, biến chứng não thất. Cháu bỏ bú, nằm li bì suốt 2 tháng. Cháu mới tỉnh lại một tuần nay, bác sĩ bảo để hồi phục được là rất khó khăn”.

Nhập viện đã 3 ngày, bé Nguyễn Tấn Lộc (19 tháng tuổi, ở Nho Quan, Ninh Bình) đỡ sốt hơn nhưng bệnh vẫn diễn biến nặng. Chị Đinh Thị Mận (mẹ bé Lộc) cho biết, tuần trước bé bị sốt cao li bì, đã khám và điều trị ở BV tỉnh Ninh Bình nhưng không đỡ, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán giãn não thất/viêm màng não. Ngày 23/4 bé được mổ dẫn lưu. “Cháu chưa tiêm phòng viêm não mô cầu cũng như viêm não Nhật Bản”- chị Mận ân hận cho biết.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, không chỉ trẻ nhỏ mà trẻ lớn cũng có thể bị viêm màng não. Nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt hơn 1 tháng, bệnh nhân Nguyễn Tiến Đ (14 tuổi) được chẩn đoán là viêm não, viêm màng não, tổn thương thần kinh, phải thở máy. Theo các bác sĩ, đến nay vẫn chưa tìm ra căn nguyên vi sinh gây bệnh cho bệnh nhân. Hiện cháu Đ đã tỉnh, cai máy thở, có phản xạ nhưng không nhận thức được xung quanh.

Hầu hết các ca đang điều trị đề diễn biến bệnh nhanh, nhiều cháu không được chẩn đoán đúng bệnh ở tuyến dưới, đã lỡ mất “thời gian vàng” trị liệu. Chị Phạm Thị Định (Thanh Hóa) là bác của bệnh nhân Ngô Văn Đức (12 tuổi) kể: “Cháu đi học về sốt cao, gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh nhưng không chẩn đoán ra bệnh. 

Cháu sốt liên tục 6 ngày, co giật, hôn mê gia đình sợ quá xin chuyển cháu ra BV Nhi Trung ương. Ở đây chẩn đoán cháu bị viêm não Nhật Bản. Ba ngày trước cháu vẫn còn mê sảng, la hét, chỉ nhận ra mẹ. Hôm nay cháu đỡ rồi, không la hét nữa nhưng bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài, trí nhớ chưa khôi phục được”. Theo chị Định, cháu Đức chưa tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cũng như các loại viêm não khác.

Tiêm phòng để ngừa bệnh

Tại buổi gặp mặt các gia đình có con đang mắc và từng mắc viêm não - màng não tổ chức ngày 24/4, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị từ 300-500 ca viêm não- màng não. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm não, hàng đầu là virus viêm não Nhật Bản B (chiếm 70% trường hợp); viêm não do virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh chân tay miệng), sởi, quai bị và các virus khác. 

Tuy nhiên, bệnh nhân mắc viêm não còn hơn 30% chưa rõ căn nguyên, có căn nguyên hiếm gặp và rất khó tìm thấy. Mức độ biến chứng sau khi viêm não - màng não tùy theo nguyên nhân. 

Chẳng hạn viêm não Nhật Bản B chỉ có 50% khỏi và hồi phục hoàn toàn, 20% là để lại di chứng nhẹ, 3% tử vong, và gần 30% di chứng nặng về tinh thần và vận động. Còn một số virus khác, như do herpes di chứng có thể lên tới 60%-70%. Còn loại virus gây bệnh tay chân miệng ở ngay giai đoạn cấp của bệnh có thể gây ra tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, nhiều trường hợp bác sĩ đa khoa tuyến dưới bỏ sót triệu chứng bệnh nên đã bỏ qua “thời điểm vàng” điều trị, dẫn tới di chứng cho trẻ. “Cách phát hiện sớm trẻ viêm màng não là sốt kèm theo đau đầu, cứng gáy, thóp phồng, li bì – hôn mê, dễ kích thích, co giật, nôn. Riêng trẻ sơ sinh có thể không sốt hoặc có sốt và có kèm theo một trong các triệu chứng trên. Cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”- TS Lâm khuyến cáo.

Viêm não - màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để để lại nhiều chứng nặng nề về tinh thần và vận động. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, có trẻ 5-10 năm sau mới xuất hiện di chứng về tinh thần. Do tỷ lệ di chứng cao, việc phục hồi sẽ rất vất vả và khó khăn. Đây là gánh nặng trực tiếp lên mỗi gia đình. Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các cháu bại não mỗi tháng bằng 1 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này chưa đầy đủ cho các cháu, cần có sự chung tay hỗ trợ thêm của cộng đồng.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, bệnh viêm não - màng não hoàn toàn có thể phòng được bằng tiêm vaccine. Tuy nhiên, hầu hết các cháu nhập viện tại BV Nhi Trung ương đều không tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ, không tiêm nhắc lại sau 3 năm. Hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não - màng não, do vậy, phụ huynh hãy đưa con đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ con mình và cho cộng đồng.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh viêm não Nhật Bản B có thể xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5,6,7 vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Mọi người phải thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, loại bỏ các ỏ bọ gậy, đi ngủ mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi..


Trần Hằng
.
.
.