Nhiều bệnh viện lớn cam kết không để bệnh nhân nằm ghép

Thứ Tư, 21/01/2015, 13:15
Giảm tải bệnh viện (BV) vẫn là vấn đề nóng nhất trong cuộc họp tổng kết công tác khám, chữa bệnh (KCB) của Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội chiều 20/1.

Bởi ở nhiều BV hiện nay, tình trạng nằm ghép 3-6 người một giường bệnh không còn là cá biệt, khiến người dân từ lâu đã rất phàn nàn. Tình trạng người bệnh nặng nhất được nằm giường, còn những người khác phải nằm ở gầm giường hay ở khoảng trống giữa 2 giường bệnh, cũng rất phổ biến ở nhiều BV tuyến TW, đặc biệt là các chuyên khoa vốn luôn quá tải như ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Theo Cục Quản lý KCB, thực hiện chỉ đạo thực hiện giảm tải BV của Thủ tướng, 36 bệnh viện tuyến TW đã tăng tổng số giường bệnh là 4.800 giường, thêm 3 BV được xây mới đã đưa vào sử dụng; 172 khoa trong các BV đã được cải tạo, mở rộng hoặc xây mới.

Hiện đã có 58% số BV tuyến TW có xu hướng giảm số khoa có tình trạng nằm ghép; không còn tình trạng nằm ghép tới 3-5 người/giường bệnh; tình trạng nằm ghép đôi cũng giảm hẳn, tại thời điểm hiện tại thì ở BV tuyến TW, chỉ còn một số BV như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Phổi TW, Phụ sản TW có tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Ở tuyến tỉnh cũng đã giảm tình trạng nằm ghép khi 47% số BV có xu hướng giảm số khoa có người bệnh nằm ghép.

Muốn giảm tải phải có bác sĩ giỏi tại tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, để giảm tải, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV cải cách hành chính, giảm thời gian khám bệnh. Theo Cục Quản lý KCB, qui trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4 – 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội, thay vì số thời gian này lãng phí do phải chờ đợi khám bệnh kéo dài của người bệnh và người thân.

Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên và xây dựng các tiêu chí phấn đấu để các BV “thanh toán tình trạng nằm ghép trong BV”, đồng thời, đề xuất ban hành “Chỉ thị nghiêm cấm tình trạng nằm ghép điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh”, có chế độ khen thưởng, kỷ luật với các tập thể thực hiện tốt giảm quá tải BV.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến hằng tuần về tình trạng nằm ghép trong khu vực điều trị nội trú, kết hợp với kiểm tra đột xuất của các cơ quan quản lý, công bố tình trạng nằm ghép ở các BV. Bộ Y tế sẽ giao trách nhiệm giải quyết tình trạng nằm ghép cho giám đốc các BV và họ chịu trách nhiệm nếu để người bệnh phải nằm ghép điều trị nội trú.

Tại cuộc họp, danh sách 13 BV cam kết không để tình trạng nằm ghép, mà mỗi người bệnh được bố trí một giường bệnh ngay khi vào điều trị nội trú, hoặc trong vòng từ 24-48 tiếng, được công bố, là căn cứ để người bệnh giám sát, nếu phải nằm ghép sẽ phản ánh qua đường dây nóng của ngành Y tế. Đó là các đơn vị: BV Việt Đức, BV Nhi TW, BV Lão khoa, BV Tâm thần TW 1, BV Da liễu TW, Răng hàm mặt TW, BV E, BV Đa khoa Đồng Hới, BV Đa khoa TW Thái Nguyên, BV Nhiệt đới TW, BV Châm cứu TW...

Danh sách này cũng thu hút sự quan tâm của báo giới. Vì thế, ngay tại cuộc họp báo về công tác giảm tải BV tổ chức ngay sau đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Đó là liệu các BV cam kết giảm tải có phải vì “chín ép”, trong khi thực tế thì nhiều BV chưa đủ khả năng để giảm tải? Một ví dụ được đưa ra là, khi các nhà báo đi thực tế tại BV Ung bướu TW ở Hà Nội, được biết, để giảm tải, giải pháp của BV sẽ là đưa bệnh nhân ra điều trị ngoại trú nhiều hơn và như vậy, số bệnh nhân phải điều trị ngoại trú này, nếu không vì việc cam kết giảm tải, chắc chắn sẽ được điều trị nội trú. Một ví dụ khác được đưa ra là những ngày qua, nhiều bệnh nhân vào BV Nhi TW cũng vẫn phải nằm ghép, nếu không khám, chữa bệnh theo dịch vụ. Hoặc một số phải chuyển ngoại trú, phải thuê nhà để ở, vì nhà xa. Như vậy, gánh nặng giờ đây lại dồn lên vai những người bệnh, nhất là những người ở ngoại tỉnh, vốn đã vô cùng khốn khó vì bệnh tật, vì sẽ phải chi phí điều trị nhiều hơn.

Về câu hỏi việc điều trị nội trú rút xuống, có ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hay không, đại diện Cục Quản lý KCB ví dụ, bình quân số ngày điều trị của các BV ung bướu hiện nay là 7 ngày, còn ở BV tư nhân khác là 4 ngày, như vậy, các bác sĩ sẽ đảm bảo qui trình điều trị, diễn biến bệnh lý khi quyết định cho bệnh nhân ra ngoại trú. Tuy nhiên, cách lý giải của Bộ Y tế về việc đẩy gánh nặng lên người bệnh do cam kết giảm tải chưa làm các nhà báo cảm thấy thuyết phục, khi khả năng giảm tải thực sự của các BV vẫn là điều gây nghi ngờ.

Với câu hỏi, Bộ Y tế sẽ giám sát việc thực hiện của các BV đã cam kết giảm tải như thế nào, cũng như xử lý thế nào với các BV vi phạm cam kết, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, cũng như đẩy mạnh việc tiếp nhận ý kiến của người dân qua đường dây nóng, để nắm bắt các thông tin về tình hình thực hiện cam kết giảm tải của các BV. Tuy nhiên, với câu hỏi, liệu Bộ Y tế có kiên quyết xử lý các BV vi phạm, như điều chuyển Giám đốc BV khi để quá tải BV khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp bàn với các BV về vấn đề giảm tải, đã không thấy được nhắc lại.

Thanh Hằng
.
.
.