Nhiều bệnh viện “dính bẫy” đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế

Chủ Nhật, 24/07/2016, 09:56
Ths. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, với các qui định về quản lý trang thiết bị (TTB) hiện nay, khi bán TTB cho các bệnh viện (BV), đơn vị cung cấp thường giấu hồ sơ kỹ thuật, nên sau khi đã mua hàng, các BV thường không thể biết được thông tin về hãng sản xuất thiết bị để liên lạc khi cần. Có đơn vị cung cấp thiết bị xong là “biến mất” trên thị trường, nên khi máy móc hỏng, cần bảo hành hay sửa chữa, BV cũng đành “bó tay”.

Xảy ra nhiều nhất là tình trạng bán các máy xét nghiệm cho các BV, sau đó, do không có thông tin về nơi sản xuất, bảo hành, các BV thường bị ép mua hóa chất hoặc dịch vụ sửa chữa với giá “cắt cổ”. Thậm chí, có máy móc chỉ sử dụng một thời gian đã phải “đắp chiếu” vì không có linh kiện thay thế.

Tại hội nghị về vấn đề quản lý TTB y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-7 đã chỉ ra, không chỉ BV tuyến Trung ương mà ở các BV tuyến huyện là tình trạng “dính bẫy” nhiều đơn vị cung cấp TTB. Lợi dụng vào các qui định chưa chặt chẽ, nhiều đơn vị bán TTB cho BV tuyến huyện, rồi không hoạt động thương mại nữa, hoặc sau khi bán thiết bị xong cố tình “lặn” mất, để trốn trách trách nhiệm bảo hành sản phẩm, khiến các BV không biết đâu mà tìm khi máy móc bị hỏng. Nhiều BV dù mang tiếng được đầu tư TTB đầy đủ mà không sử dụng được vì không biết chỗ sửa chữa, hoặc không biết mua linh kiện thay thế, hóa chất ở đâu, khiến bệnh nhân cũng khổ theo.

Quản lý tốt TTB sẽ giúp đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Với cách quản lý hiện nay, hầu hết TTB y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư đổi mới, nhiều địa phương không đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao. Trình độ của cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất TTB hiện có. Năng lực cán bộ kỹ thuật TTB y tế cũng chưa theo kịp đổi mới về kỹ thuật và công nghệ. Chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết bị y tế còn thấp. Các doanh nghiệp sản xuất TTB y tế còn ít, chủng loại nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là BV tuyến huyện vì ở xa, tiếp cận đơn vị bảo hành không dễ.

Thanh Hằng
.
.
.