Nhiều bệnh nhân được “cải tử hoàn sinh” nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại

Thứ Hai, 05/09/2016, 15:36
Đã có gần 10.000 bệnh nhân được “cải tử hoàn sinh” nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại trong điều trị bệnh suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng… Đây là thành quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” của GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và các cộng sự, công trình được trao Giải thưởng Nhà nước 2016.

Chỉ sau một ngày được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Bạch Mai), bệnh nhân Nguyễn Văn L. bị viêm tụy cấp đã tiến triển tốt nhờ được lọc máu. Giường sát bên cạnh là bệnh nhân Trần Văn X. bị viêm gan B nặng, tưởng không qua khỏi, nhưng cũng dần hồi phục sau khi được lọc máu. Cô gái Nguyễn Thị L. 23 tuổi ở Ninh Bình cũng đã thoát được thời khắc hiểm nghèo nhờ được lọc máu hiện đại. 

GS.TS. Nguyễn Gia Bình bên bệnh nhân bị viêm tụy cấp được điều trị bằng kỹ thuật lọc máu hiện đại

Một bệnh nhân người Malta cũng đã “trở về từ cõi chết” sau một tuần được cấp cứu tại đây. Trước đó, kỹ thuật lọc máu đã đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống một chiến sỹ trong vụ tai nạn máy bay MI-17 tại Hòa Lạc năm 2014, được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia với sự tham gia của đội ngũ lọc máu của BV Việt Đức, BV Bạch Mai. Đó chỉ là một số trong gần 10.000 bệnh nhân được “cải tử hoàn sinh” nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại 

GS.TS. Nguyễn Gia Bình chia sẻ: Các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã có những tiến bộ vượt bậc ở nhiều nước phát triển có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan thận và cơ thể khó có thể thải trừ.

Vì thế, GS.TS. Nguyễn Gia Bình khao khát đưa kỹ thuật này về Việt Nam, để giúp nhiều người bệnh có cơ hội sống với chi phí điều trị giảm so với các phương pháp hiện nay. Ông chủ động trao đổi với đồng nghiệp ở nhiều nước, học tập kinh nghiệm, trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành, nâng cao trình độ, nhằm triển khai kỹ thuật trong thời gian ngắn nhất. 

Trang thiết bị phục vụ kỹ thuật lọc máu hiện đại rất tốn kém, ngân sách lại eo hẹp, nên PGS.TS. Nguyễn Gia Bình phải chủ động tìm các nguồn tài trợ và mượn máy móc ở nước ngoài.

3 năm đầu triển khai chỉ điều trị được vài chục bệnh nhân, nhưng lại chính là kinh nghiệm quý để GS.TS. Nguyễn Gia Bình xây dựng qui trình kỹ thuật dựa trên những sáng tạo để ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam. Để rồi, đề tài được triển khai ở cấp Nhà nước tại 7 BV với hơn 100 bác sĩ tham gia.

GS.TS. Nguyễn Gia Bình kiểm tra kỹ thuật lọc máu hiện đại

Một trong những cải tiến quan trọng của nhóm nghiên cứu là áp dụng đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều kỹ thuật lọc máu hiện đại phù hợp cho từng loại bệnh: lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt qua màng chuyên biệt, lọc phân tử tái tuần hoàn, lọc và thẩm tách máu. 

Ưu điểm nữa là thay đổi cách dùng thuốc chống đông tránh tăng nguy cơ rối loạn đông máu của bệnh nhân mà vẫn đảm bảo không đông tắc màng lọc; xác định mốc thời gian phù hợp để bắt đầu lọc máu đạt hiệu quả cao nhất; đưa ra cách chọn và phối hợp các loại lọc máu và các màng lọc chuyên biệt trong điều trị viêm phổi nặng do cúm A tại Việt Nam.

Dựa trên các kỹ thuật này,  GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã sáng tạo và đưa ra quy trình điều trị bệnh nhân nhiễm cúm  nặng (cúm A H5N1, H1N1, H7N9….) được Bộ Y tế thông qua, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

 Kết quả nghiên cứu còn được mở rộng trong cấp cứu các bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết nặng biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng, chân tay miệng, Ebola… Nhiều sản phụ mắc bệnh lý sản khoa nặng như  hội chứng HELLP, suy gan cấp ở phụ nữ có thai, viêm tụy cấp nặng do tăng Triglyceride vv… cũng được cứu sống.

Trước kia suy gan cấp nặng chỉ có thể được cứu sống nhờ ghép gan thì nay, kỹ thuật lọc máu hấp phụ phân tử liên tục tái tuần hoàn (gan nhân tạo) đã cứu sống rất nhiều người. 20 năm qua, Việt Nam đã triển khai ghép gan nhưng vẫn khó phát triển vì thiếu người cho, thiếu kinh phí, nên kỹ thuật gan nhân tạo càng có giá trị trong điều trị suy gan cấp ở Việt Nam. 

Đặc biệt, kỹ thuật này còn thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng, khi giúp bệnh nhân suy gan nặng sống trong khi chờ ghép gan và chờ gan hoạt động sau ghép, lọc máu liên tục hỗ trợ trong ghép thận, ghép tim, ghép phổi và hỗ trợ hồi sức tốt cho phát triển các phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim mạch, gan mật…

Kết quả nghiên cứu thực sự mở ra một cuộc cách mạng trong hồi sức cấp cứu. Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, hiệu quả các kỹ thuật lọc máu hiện đại ở các BV của Việt Nam rất rõ, với kết quả cao ngang các nước phát triển: Hạ thấp tỷ lệ tử vong, giảm các thuốc dùng phối hợp, giảm thời gian thở máy, giảm ngày nằm viện, nâng cao chất lượng sống. 

Kỹ thuật lọc máu hiện đại giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng so với trước. Chi phí điều trị giảm đáng kể nhờ rút ngắn thời gian thở máy chỉ còn ¼ đến 1/2, thời gian nằm viện giảm ½, hạn chế biến chứng do thở máy và nằm lâu vv… Số bệnh nhân suy đa tạng và sốc nhiễm trùng chiếm 10 - 40% tại phòng hồi sức và chi phí đến 16,7 tỷ USD/năm. 

Trong khi, chi phí trung bình là 2.500 USD/ngày nằm viện phải thở máy, trong khi chi phí cho bệnh nhân không thở máy 1.500 USD/ngày. Cũng nhờ  công trình này mà nhóm bệnh nhân nhược cơ nặng và Guillain Barre có tỷ lệ viêm phổi giảm còn 1/4 - 1/2 so với trước và tiết kiệm được 1 - 1,5 triệu đồng/bệnh nhân/ngày.

Kỹ thuật lọc máu hiện đại được dùng để cấp cứu điều trị cho nhiều loại bệnh nặng tại cơ sở, nên đã có nhiều bệnh nhân hiểm nghèo được cứu chữa kịp thời, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị. Nhiều người cũng không phải ra nước ngoài điều trị như trước, nhiều bệnh nhân nặng cũng không phải chuyển về các BV tuyến trên ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cải thiện chất lượng cấp cứu điều trị bệnh nặng.

Từ đó, giảm chi phí cho chăm sóc y tế, giúp người bệnh trở lại cộng đồng lao động và học tập cống hiến cho gia đình và cộng đồng. Cũng nhờ đó, trình độ cán bộ y tế được nâng lên, hội nhập với nhiều nước. Có 200 bác sỹ chuyên khoa, thạc sỹ, tiến sỹ được học tập về kỹ thuật lọc máu hiện đại.

Thành công này còn khẳng định ngành hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.

Thanh Hằng
.
.
.