Nhiều bất cập trong công tác PCCC tại nhà xưởng, kho hàng
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 612 cơ sở nhà xưởng, kho hàng thuộc diện quản lý về PCCC. Đây hầu hết là các cơ sở sản xuất, kho hàng tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hơn 19.000 cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc 159 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP xảy ra 22 vụ cháy nhà xưởng, kho hàng. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại tầng 2 tòa nhà văn phòng do Công ty cổ phần Austnam thuê lại của Công ty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà, số 109 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội vào ngày 17-6.
Vụ cháy mặc dù không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản ước tính lên đến khoảng 10 tỷ đồng. Trước đó, vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Bình Minh tại Bình Phú, huyện Thạch Thất (xưởng sản xuất gỗ) vào ngày 20-5 đã gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng và 1200m² nhà xưởng.
Trong số 22 vụ cháy nhà xưởng, kho hàng, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã làm rõ nguyên nhân 19 vụ, 3 vụ đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đang dập tắt đám cháy tại một kho hàng. |
Qua đó cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nhà xưởng, kho hàng vẫn là do chậy điện (12 vụ) và sự cố thiết bị điện (4 vụ). Ngoài ra là do các nguyên nhân sơ suất khi dùng lửa, cháy lan do đốt rác…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt hơn 400 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với các cơ sở kho hàng, nhà xưởng vi phạm quy định về PCCC. Các trường hợp xử lý vi phạm về PCCC tập trung như: người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu theo Luật PCCC; các cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC hoặc đã thẩm duyệt và nghiệm thu nhưng khi cho thuê đã thay đổi tính chất, công năng sử dụng mà chưa được thẩm duyệt bổ sung.
Bên cạnh đó, hệ thống điện không đảm bảo an toàn về PCCC cũng là vi phạm phổ biến như bố trí tủ điện, thiết bị đóng ngắt điện phía trong của dây chuyền, máy thiết bị, dây dẫn điện không đảm bảo an toàn PCCC (dây dẫn chưa được bảo vệ trong ống gel, tự ý câu mắc điện…).
Ngoài ra, điều kiện thoát nạn, cứu người, cứu tài sản cũng không đảm bảo do khi ngăn chia mặt bằng đã tận dụng tối đa diện tích mặt bằng, lấn chiếm đường giao thông nội bộ, hành lang…).
Theo đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội thì qua công tác theo dõi, kiểm tra cho thấy, tại các doanh nghiệp liên doanh, vốn đầu tư trong nước, tư nhân đặc biệt là các cơ sở đi thuê mặt bằng làm kho hàng, sản xuất nhỏ lẻ trong các cụm công nghiệp, các làng nghề chưa chấp hành tốt các quy định về PCCC dẫn đến nhiều tồn tại, bất cập.
Một trong những vấn đề khiến lực lượng PCCC “đau đầu” chính là tại các nhà xưởng, kho hàng không có quy định phân công rõ trách nhiệm về PCCC giữa đơn vị thuê và đơn vị cho thuê mặt bằng dẫn đến việc tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên nên không phát hiện kịp thời được các dấu hiệu mất an toàn PCCC để có biện pháp khắc phục.
Từ đó dẫn tới việc quy trách nhiệm trong công tác PCCC để khắc phục các thiếu sót còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC; các cơ sở không đảm bảo các điều kiện, giải pháp kỹ thuật về PCCC…
Từ đầu năm đến nay, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 12 chuyên đề tăng cường kiểm tra an toàn PCCC trong đó có chuyên đề “An toàn PCCC đối với Khu công nghiệp, Khu chế xuất, các cơ sở có mặt bằng kinh doanh cho thuê”, “An toàn PCCC đối với làng nghề”. Trong đó, vai trò của người đứng đầu các cơ sở trong công tác PCCC đặc biệt quan trọng.
Để PCCC trong thời điểm mùa hè nắng nóng, Cảnh sát PCCC Hà Nội đề nghị người đứng đầu cơ sở cần làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thành lập đội PCCC có đủ lực lượng để duy trì, tăng cường công tác thường trực, tuần tra phát hiện cháy, nổ; khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; trang bị đủ phương tiện PCCC theo quy định, thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ...
Khi có cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, kho tàng, cần phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114 để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.