Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng gánh nặng cho người dân

Thứ Bảy, 04/08/2018, 09:19
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển.

Tại hội nghị triển khai thực hiện Thông tư quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 31-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển, do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Tỷ lệ NKBV ở các nước phát triển dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch châu Âu (ECDC) báo cáo tỷ lệ hiện nhiễm ở các nước châu Âu trung bình là 7,1%. Số liệu về NKBV tại các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các ca NKBV ở các nước đang phát triển thường xảy ra với tần suất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển. Tổn thất tài chính hằng năm do NKBV cũng rất lớn, ước khoảng7tỷ Euro ở châu Âu, khoảng 6,5 tỷ USD ở Mỹ.

Rửa tay có ý nghĩa quan trọng để phòng nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tại các bệnh viện bước đầu đã thực hiện giám sát ca bệnh NKBV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), giám sát vi sinh vật gây KNBV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận hiện công tác KSNK của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hiện vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, do vậy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân lực KSNK còn thiếu và yếu.

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: Đặc biệt, với mô hình bệnh tật của nước chậm phát triển và đang phát triển, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan nhiều trong BV như Cúm A (H5N1,H1N1, H7N9,..), MERS-CoV, Ebola,… là thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng chống NKBV, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BYT Quy định về KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT. 

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ Hội đồng, khoa/bộ phận và mạng lưới KSNK; các cơ sở KBCB có dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận KSNN thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới KSNK và có người phụ trách KSNK làm việc toàn thời gian; Cơ sở KBCB không có giường bệnh nội trú tối thiểu phải phân công một người phụ trách KSNK.

Đặc biệt, người đứng đầu cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác KSNK của cơ sở KCB. Người làm giám sát chuyên trách, khử khuẩn, tiệt khuẩn phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc văn bằng về KSNK. 

Theo ông Lương Ngọc Khuê, theo Thông tư mới này, các bệnh viện được phép xã hội hóa công tác vệ sinh bệnh viện, xử lý chất thải, đồ vải và dụng cụ y tế dưới sự kiểm soát chuyên môn của KSNK và tuân thủ các quy định hiện hành. 

Thông tư KSNK là một bước tiến quan trọng trong việc định hướng KSNK vào những nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện giám sát NKBV, giám sát tuân thủ thực hành KSNK nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Thanh Hằng
.
.
.