Nhà khoa học tâm huyết với bệnh nhân ung thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam

Thứ Tư, 18/10/2017, 11:35

Sau khi lọt vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố dịp 8-3, chiều 17-10, TS. Hà Phương Thư lại được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 của Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, vì những đóng góp to lớn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

  • Điều kỳ diệu của công nghệ NANO

TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu Nano Y sinh - Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam, là nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Chị được mệnh danh là “tiến sĩ Nano” bởi những công trình nghiên cứu về Nano được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: y khoa, dược học, sinh học, nông nghiệp vv... 

 TS. Thư từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm năng lượng nguyên tử CEA (Pháp) và Viện công nghệ Tokyo (Nhật Bản) trước khi về Việt Nam làm việc. Hơn 10 năm công tác tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, chị liên tiếp gặt hái những thành công, để mới ngoài 40 tuổi, hành trang của nhà khoa học nữ đã có tới 30 công bố quốc tế và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)… Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, TS. Hà Phương Thư là tác giả và đồng tác giả của 71 công trình trên các tạp chí quốc tế và trong nước. Trong nghiên cứu ứng dụng, chị đã chủ nhiệm 10 đề tài cấp Quốc gia, cấp Bộ, Quỹ Innofund vv…

Thành công mới nhất của TS. Hà Phương Thư được công bố là chế tạo thành công phức hệ nano FGC, được Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chuyển giao cho Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI để sản xuất thực phẩm chức năng CumarGold Kare, giúp nâng cao thể trạng, ngăn ngừa suy kiệt cho bệnh nhân ung bướu sau hóa xạ trị.

TS. Hà Phương Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 chiều 17.10

Trong gần 20 năm nghiên cứu khoa học, TS. Thư dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư. “Tôi đã chứng kiến không ít người quen, thậm chí cả bạn thân của mình, mắc ung thư. Vì thế tôi hiểu ung thư không chỉ là nỗi đau của người bệnh, mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính cho gia đình và xã hội. Những phương pháp điều trị chính thống hiện nay tuy hiệu quả nhưng có nhiều tác dụng phụ, thậm chí khiến người bệnh suy kiệt sức khỏe trước khi khối u phát tác. Việc tìm ra phương pháp mới giúp giảm nhẹ tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung bướu không chỉ là trăn trở mà còn là sứ mệnh tôi tự đặt ra cho con đường nghiên cứu của mình” - TS. Thư tâm sự. Công trình nghiên cứu chế tạo phức hệ nano FGC đi sâu vào các cây thuốc Việt, để không chỉ tận dụng thế mạnh của cây thuốc truyền thống, mà còn giảm giá thành, để người bệnh ung thư nghèo đều có thể tiếp cận.

TS. Hà Phương Thư cho biết, phức hệ nano FGC gồm 3 hoạt chất: curcumin tách chiết từ nghệ vàng, fucoidan của rong biển, notoginseng trong tam thất –đều là những cây thuốc vốn gắn bó với của người Việt hàng trăm năm qua. Có điều, cách sử dụng trực tiếp củ nghệ và tam thất lâu nay hiệu quả không cao. Nhưng việc sử dụng phức hệ nano FGC đã mang lại tác dụng cao hơn dùng từng thành phần.

Trao giải cho 10 gương mặt nữ

Theo TS. Hà Phương Thư, với phức hệ Nano FGC, các hạt nano có thể chui vào vào các khối ung thư để chữa trị tế bào ung thư và bỏ qua các tế bào lành. Người bệnh ung thư thường phải hóa - xạ trị nên rất mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy kiệt và sản phẩm này sẽ giúp người bệnh không phải sử dụng nhiều, mà hiệu quả lại cao hơn, đặc biệt là không gây tác dụng phụ. Đây là bước đi mới trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị ung thư và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng tăng ở Việt Nam.

Dành cho người bệnh sự cảm thông đặc biệt, TS. Hà Phương Thư đã hỗ trợ nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng sản phẩm từ nghiên cứu của chị tới hàng trăm triệu đồng. Theo TS. Thư, một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, di căn não sau khi tuân thủ phát đồ điều trị ở bệnh viện phối hợp uống FGC, đã cho kết quả khả quan. Các khối di căn mất đi, bệnh nhân ăn uống tốt hơn, không còn buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.

TS. Hà Phương Thư chia sẻ: Tôi rất xúc động khi nghiên cứu của  mình góp phần mang lại niềm vui và hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư. Đây mới thực sự là phần thưởng cho nỗ lực của tôi.

Từng được nhận Giải thưởng L’Oreal - UNESCO; Bằng khen Phụ nữ Sáng tạo của Hội LHPN Việt Nam; Giải xuất sắc cuộc thi Chứng minh ý tưởng của Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 thêm một lần khẳng định tài năng của TS. Hà Phương Thư, là động lực để chị tiếp tục cống hiến cho khoa học. Được biết, chị đang nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị người bị bệnh gan từ cây an xoa tím; sản phẩm dùng cho bệnh nhân bị loét ép từ cây nghệ và cây sim. Chị cũng đang triển khai đề tài “Phát triển vật liệu nano cho nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”...

Chiều 17-10, lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đại diện nhiều bộ ngành. BCT đã trao giải cho 10 cá nhân gồmTS. Hà Phương Thư - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Trung tá. ThS. Bùi Thị Hà (Bộ Quốc Phòng); Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội; Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chanh không hạt, Cần Thơ; Đặng Thị Kim Liên - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Thị Liễu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí, TP Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Thị Ngọc Mai - Công nhân Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy; Ths. Lê Như Quỳnh (Bộ Tài Chính); Đại tá, Ths. Nghiêm Thanh Thủy (Công an tỉnh Đắk Lắk).

Thanh Hằng
.
.
.