Nguy cơ bùng phát các bệnh mùa hè

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:31
Viêm não, viêm màng não rất dễ nhầm với bệnh sốt siêu vi với triệu chứng như: sốt, ói, tay chân lạnh… Nhiều bà mẹ chủ quan tự điều trị cho con ở nhà, khiến nhiều trẻ không được phát hiện bệnh kịp thời đã rơi vào tình trạng co giật, hôn mê ngay sau khi nhập viện 1 ngày. Việc điều trị khi ấy là rất khó khăn mà vẫn khó thoát được di chứng nặng nề của căn bệnh.

Bài 1: Gia tăng trẻ nhập viện do viêm não, viêm màng não

Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nắng nóng bất thường đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh được xem là một trong những tác nhân gây gia tăng căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ.

Số ca mắc đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ

Trao đổi với PV Báo CAND trưa 26/5, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi  đồng 1, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ (BS) Trương Ngọc Khanh, nói: Không phải là một bệnh dịch, nhưng từ đầu mùa nắng nóng 2015 tới nay, khoa đã tiếp nhận số trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não gấp đôi so với số trẻ mắc cùng kỳ mọi năm. 

Bình thường, vào những thời điểm nóng như hiện tại, trong khoa chỉ có khoảng 5 - 7 ca viêm não, nhưng hiện, khoa đang có 12 trẻ bệnh viêm não phải theo dõi. Nhiều trẻ rất nặng phải thở máy. Ngoài ra, tại đây còn 30 trẻ khác có chẩn đoán viêm màng não. Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh cũng đang điều trị cho 27 trẻ nhỏ có kết quả xét nghiệm viêm màng não.

Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng phòng ngừa bệnh viêm não.

Ghi nhận vào ngày 26/5, tại các phòng 107, 108 của Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, số bệnh nhi ghi nhận là rất đông. Các giường bệnh đều có từ 3-4 trẻ. Đa số là trẻ mắc bệnh viêm não, viêm màng não… Rất nhiều các bé mới có 2, 3 tháng tuổi. Hầu hết các bà mẹ đều băn khoăn, thắc mắc về lý do con mình còn quá nhỏ mà lại mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Chị Goăng Thị Kim Loan (40 tuổi, ngụ tại  ấp Long Hội, huyện Lai Vung, Đồng Tháp), có con tên Lê Thị Hà Như (3 tuổi) lo lắng: “Ngày 20/5, cháu đột ngột sốt cao 39 độ, ói, tiêu chảy. Gia đình đưa tới chích thuốc ở phòng mạch tư, BS cũng cho thử máu, uống thuốc bớt sốt, nhưng đêm về lại sốt như cũ. Vừa nhập viện Đồng Tháp đã được chuyển lên đây ngay. Qua làm xét nghiệm tủy sống mới phát hiện viêm đường ruột do vi trùng, theo dõi bệnh viêm não”.

Chích vaccine ngừa bệnh viêm não chưa được quan tâm

Theo phân tích của BS Khanh, bệnh viêm não, viêm màng não do nhiễm trùng là tình trạng viêm nhiễm mô não, màng não hay cả 2 do siêu vi trùng gây ra. Tỉ lệ mắc bệnh trên trẻ nhũ nhi không nhiều chỉ vào khoảng 1 - 5 ca/100.000 trẻ và không phải ai tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đều có thể mắc bệnh. Nhưng đây là bệnh lý rất nặng có thể gây tử vong hay di chứng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bởi với 70% thường là gây tiến triển nặng và 30% / tổng số ca mắc là để lại di chứng như: gây bệnh động kinh, não úng thủy, chậm phát triển, yếu, liệt tay chân…

Trẻ viêm não và viêm màng não được chăm sóc tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Có trẻ viêm não chỉ ngày hôm sau nhập viện đã bị hội chứng hôn mê, co giật. Viêm não khi đã bị di chứng thì hôn mê cũng nhanh hơn, khó điều trị hơn và cũng dễ tử vong hơn. Trong đó, bệnh “viêm não” là tác nhân gây bệnh và tấn công trực tiếp vào nhu mô não và nguyên nhân thường thấy là: siêu vi đường ruột hay siêu vi viêm não Nhật Bản; Trong khi đó viêm màng não là do tác nhân gây bệnh tấn công vào màng bao quanh não, khi nặng nó mới gây ảnh hưởng tới não.

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã dựa theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh lý màng não do nhiễm trùng có tên gọi riêng như: viêm não Nhật Bản là viêm não do siêu vi trùng viêm não Nhật Bản. Căn bệnh được xác định lây qua đường muỗi chích và thường gặp ở vùng nông thôn.

Ngừa bệnh chủ yếu là giữ môi trường sạch, không để muỗi đốt và chích ngừa viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, qua trường hợp trẻ đang nằm trong khoa cho thấy, cha mẹ thường lãng quên chích ngừa bệnh này cho trẻ. Do chủ yếu là việc chích nhắc mỗi 3 năm/lần cho trẻ tới khi 15 tuổi. Trong khi ở bệnh này, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chưa có miễn dịch khi đi đến vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh.

Ngoài ra, bệnh viêm não do siêu vi trùng đường ruột (enterovirus 71), là do siêu vi trùng từ đường tiêu hóa tấn công vào não gây viêm não. Đề phòng bệnh này, cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, đặc biệt rửa tay trước khi ăn. Bệnh viêm màng não mô cầu do tác nhân vi trùng não mô cầu. Đây là bệnh gây tử vong nhanh nhất. Khi ở thể tối cấp. Ngoài ra, còn bệnh viêm màng não do HIB (hýp), do vi trùng HIB gây ra, đây là vi trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Nhưng BS Khanh cũng lưu ý: một vaccine chích ngừa chỉ ngừa được 1 loại bệnh: não - màng não mà thôi. Hiện ở Việt Nam đã có 2 loại vaccine ngừa bệnh: viêm não Nhật Bản, viêm não do Hib là có hiệu quả. Riêng đối với bệnh viêm màng não do mô cầu thì chỉ có vaccine phòng type A và type C là có hiệu quả.

Huyền Nga
.
.
.