“Nghiện” mạng xã hội: Đã đến lúc phải thức tỉnh
Được phổ cập từ những năm 2005, mạng xã hội Facebook nhanh chóng lan ra khắp thế giới với tốc độ chóng mặt; sự thật là không ai phủ nhận được tính hữu dụng của Facebook trong thế giới hiện đại.
Đó là một công cụ tìm kiếm, tương tác, chia sẻ… và hơn thế nữa, facebook đã trở thành một cái “chợ” theo đúng nghĩa của từ này. Ở đây, người ta có thể tìm thấy “thượng vàng hạ cám” từ cái kim chỉ đến cả các món đồ siêu sang. Nhưng chất lượng thì chẳng ai dám đảm bảo.
Theo thống kê của Facebook vào năm 2017 thì Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số người dùng Facebook với hơn 50 triệu người. Như vậy với dân số hơn 90 triệu người, thì có tới 1/3 đã tiếp cận facebook và các mạng xã hội khác.
Con số trên nói lên điều gì? Đó là việc phổ cập internet đã và đang thật sự phát triển một cách rộng rãi, đồng đều; chất lượng sống của người dân đi lên vì bây giờ nhà nhà đều có điều kiện lắp mạng, dùng 3G, 4G rồi mua ipad, smartphone…
Nhưng cũng theo một thống kê khác của Facebook vào năm 2015 thì tại Việt Nam, trung bình mỗi người dành 2,5 tiếng mỗi ngày để lướt face; gấp đôi thời gian xem tivi. Còn cho tới thời điểm hiện tại, con số trên có thể đã tăng lên nhiều lần.
Bây giờ ra đường, rảnh cái là rút điện thoại xem tin nhắn, new feed; kể cả đỗ đèn xanh đèn đỏ rồi thậm chí đang đi đường cũng vậy. Đây là mối lo chung của toàn xã hội, bởi tham gia giao thông mà mắt cứ cắm vào điện thoại, đã có nhiều tai nạn thương tâm vì lý do lãng xẹt này.
Mạng xã hội không còn là điều mới mẻ với chúng ta nhưng tại sao chúng ta lại phải thường xuyên kiểm tra. Đó là vì chúng ta đã “nghiện” chúng rồi.
Và đây là một thực trạng đáng phải cảnh báo một cách nghiêm túc, tức thời tới toàn xã hội. Bởi không làm như vậy, mạng xã hội sẽ trở thành “căn bệnh thế kỷ”.
Ảnh minh họa. |
Thế nào là “nghiện” mạng xã hội? Và vì sao “nghiện” mạng xã hội lại nguy hiểm?
Qua trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, trưởng phòng kế hoạch, bệnh viện tâm thần Hà Nội – Vũ Ngọc Uý, bác sĩ Uý cho biết
Việc “nghiện” mạng xã hội trong thời gian gần đây đang ngày càng phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Nhưng để chẩn đoán đó là một bệnh thì hiện còn chưa có bất cứ quy chuẩn nào, kể cả trên thế giới.
Tuy nhiên, vào năm 2013, Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã đề xuất những quy chuẩn như sau để nhận biết, chẩn đoán những người có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội như sau
Một là quan tâm quá mức tới các trò chơi hoặc mạng xã hội mà không kiểm soát được thời gian bắt đầu và kết thúc. Các hoạt động này chiếm hầu hết các thời gian sinh hoạt trong ngày.
Thứ hai, khi không được chơi hoặc sử dụng mạng xã hội sẽ lo âu, bứt rứt, buồn bã.
Thứ ba, không thành công trong việc kiểm soát được hành vi của bản thân đối với trò chơi hoặc mạng xã hội đó. Dễ hiểu nhất cho vấn đề này đó là việc có nhiều người cứ thi thoảng lại phải rút điện thoại ra xem, như một hành động vô thức.
Thứ tư, mất hứng thú đối với các sở thích trước đây. Có thể người đó thích chơi thể thao, đi chơi cùng bạn bè nhưng sau khi “bập” vào game online hoặc facebook thì họ hoàn toàn tự tách bản thân ra khỏi thế giới thực.
Bác sỹ Uý chia sẻ thêm, việc “nghiện” mạng xã hội có thể mang lại những hậu quả không lường trước được đối với người “nghiện”, đơn cử như trầm cảm – một trong số những biểu hiện của bệnh tâm thần.
Việc “nghiện” mạng xã hội có thể được đưa vào nhóm nghiện phi chất; đó là nghiện game, nghiện cờ bạc, và gần đây nhất là nghiện mạng xã hội…
Đó là những thứ tạo nên thói quen cố định đối với con người, mà khi con người không thực hiện được thói quen đó, sẽ có những biểu hiện như bứt rứt, khó chịu thậm chí trầm cảm – một biểu hiện của tâm thần.
Nghiện phi chất khác với nghiện chất ở chỗ, nghiện chất là nghiện chất ma tuý, rượu bia và rất dễ để nhận biết những người nghiện chất.
Ví dụ người nghiện ma tuý có dấu hiệu hay ngáp, gãi, hay giòi “bò” trong xương khi lên cơn; hoặc người nghiện rượu thì khi thèm chân tay sẽ bủn rủn…
Còn điểm chung của những con nghiện phi chất đó là việc họ tiêu tốn rất nhiều thời gian để thực hiện một hành vi nhất định; đó có thể là đánh bạc, chơi game online hoặc “lướt” mạng xã hội.
Cũng giống như người nghiện rượu, chỉ khi có rượu mới hoạt bát hoặc chỉ có rượu mới là “người bạn tri kỷ” thì người nghiện game online hay facebook cũng vậy; đối với họ thế giới thật là ở trong game hoặc facebook chứ không phải thế giới bình thường mà chúng ta đang sống.
Một lời khuyên cho các bậc phụ huynh, đó là khi phát hiện con cháu trong nhà có biểu hiệu như ít nói, không ăn, tránh tiếp xúc với mọi người thì nên đưa con em mình tới trung tâm y tế để có thể được xem xét và chữa trị kịp thời.
Trong thời đại hiện nay, việc giới trẻ dần xa lánh với cuộc sống, với những con người thực đang ngày càng phổ biến. Có thể họ không cảm thấy thoải mái, tự tin, không có khả năng giao tiếp ngoài xã hội thực nhưng lại là những “anh hùng” trên facebook.
Và đó là một thực trạng đáng lo ngại. Làm sao các em có kỹ năng sống ngoài đời thực khi mà ngay từ bé, để ăn một bát cơm là cả một tập thể đi theo dỗ dành, rồi lớn tí nữa thì nào là iphone, ipad… đủ các thứ miễn là con đừng quấy, học giỏi.
Chính các bậc phụ huynh đã và đang “làm hỏng” con mình bởi sự bao bọc và che chở đó. Rồi để đến lúc nhận ra sai lầm thì đã muộn.
Và các bậc cha mẹ hãy tự hỏi tại sao con mình suốt ngày “cắm mặt” vào intenet? Bởi vì giữa chúng và bố mẹ không có sự trao đổi, chia sẻ; không có sự thấu hiểu, cảm thông.
Và các rất nhiều người làm cha làm mẹ có kiểu suy nghĩ thế này: “ờ thôi kệ nó, miễn là nó ngồi yên không ra đường, nhỡ thằng nào rủ rê rồi lại nghiện ngập…”. Và đây, con họ đã “nghiện”, nghiện một cách từ từ, ngay trước mắt họ mà họ không nhận ra.
Để đến lúc phát hiện ra là “sao con mình buồn thế”, “sao nó ăn ít thế”, rồi “sao nó chẳng chơi với ai” thì đến lúc đó chỉ có cách đưa con vào bệnh viện.
Đó là một sự thật rất đau lòng.