Ngày đầu tiên đeo khẩu trang bắt buộc, người đeo người không
- Ca nhiễm COVID-19 thứ 60 là hành khách người Pháp
- “Chống giặc COVID-19” bằng âm nhạc
- Bệnh viện điều trị bệnh COVID-19 tại Cần Giờ chính thức hoạt động
Người Việt Nam ý thức cao trong việc đeo khẩu trang nơi công cộng |
Chiều 16/3, ghi nhận của PV tại nhiều tuyến đường như Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đều rất vắng vẻ, ít người qua lại.
Du khách nước ngoài không đeo khẩu trang nơi công cộng |
Tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, các điểm dừng đón khách xe buýt, hầu như khách đợi xe đều đã có ý thức trang bị khẩu trang cho bản thân. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số tài xế xe ôm thực hiện chưa được nghiêm túc khi cho biết việc đeo khẩu trang liên tục cũng gây ra cảm giác khó chịu, nóng nực nên lâu lâu kéo khẩu trang xuống để thở cho dễ rồi lại mang lại.
Tại các cây ATM khu vực này, người dân khi đi rút tiền đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Một nam thanh niên rút tiền tại cây ATM gần Trung tâm TDTT Hoa Lư cho biết đã nhận được thông tin trên mạng qua theo dõi trên điện thoại nên dù chưa có quyết định này của Thủ tướng Chính phủ thì tự anh đã mang khẩu trang cả tháng nay mỗi khi ra ngoài đường.
Người nước ngoài ở khu trung tâm thành phố không đeo khẩu trang |
Tiếp tục ghi nhận tại một điểm hoạt động là Trung tâm TDTT Hoa Lư, khách đến tập cũng như nhân viên của trung tâm đều có đeo khẩu trang y tế. Một số người cẩn thận mang theo khăn tắm nhỏ, thảm tập riêng để phòng tránh lây nhiễm COVID-19. Theo chia sẻ của một số khách hàng còn cho biết, chấp nhận bỏ ra 1 triệu mua thảm loại cao cấp đỡ “nguy cơ” hơn khẩu trang loại hơn 100.000 đ/cái.
Thanh niên xung phong nhắc đoàn du khách đeo khẩu trang |
Sau khi được nhắc, hướng dẫn viên và du khách lấy khẩu trang ra đeo |
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc đeo khẩu trang trong lúc tập luyện, chị Lan, một khách tập Aerobic tại đây cho biết: “Tập thể dục mà đeo khẩu trang thì không thở nổi. Chúng tôi nghĩ, khi tập, mướt hết mồ hôi, virus thải ra theo đường tuyến mồ hôi rồi. Vì vậy, không cần đeo khẩu trang”.
Quá trình ghi nhận của PV sau đó tại khu vực đường Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh vẫn còn nhiều người dân chưa tuân thủ đúng quy định về việc đeo khẩu trang. Đơn cử như một số người bán vé số với “sáng kiến” biến chiếc quai nón che nắng thành khẩu trang cho tiện thay vì sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn với lý do đeo khẩu trang vướng và giá thành cũng đắt đỏ. Ngoài ra còn vô số người bán vé số khác thậm chí không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, tại các khu vực du lịch của thành phố như Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành, Bưu Điện thành phố, Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà,… ghi nhận của PV cho thấy hầu như người dân đều đã có ý thức đeo khẩu trang tuy nhiên với khách du lịch người nước ngoài thì chưa thực sự đầy đủ.
Tại khu vực trước nhà thờ Đức Bà, các đoàn du khách nước ngoài có những cách đeo khẩu trang khá "kỳ lạ". Một số người đeo kín miệng và mũi, có người đeo nhưng kéo trễ xuống cổ, còn lại đa số không đeo.
Trao đổi của PV, anh P.T.H là hướng dẫn viên du lịch cho biết, đoán khách của anh đến từ Đức đi tham quan ở Lào, Campuchia từ hơn 10 ngày trước, sau đó về An Giang (Việt Nam) sau đó di chuyển về TP Hồ Chí Minh. Anh H cho biết có nghe thông tin về việc quy định bắt buộc đeo khẩu nơi công cộng, nhưng vừa đến đây nên anh chưa kịp nhắc du khách. Sau khi được nhắc nhở, đoàn khách du lịch do anh H. dẫn đã đeo khẩu trang đầy đủ.
Khoảng 15h ngày 16/3, N.N.P.T – nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đang trực hướng dẫn khách du lịch tại khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1), thấy du khách nước ngoài không đeo khẩu trang nhưng không nhắc, chúng tôi hỏi T có biết quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng từ hôm nay, T nói có biết. Nhưng lãnh đạo công ty chỉ nhắc nhân viên công ty đeo khẩu trang, chứ chưa thấy nói phải nhắc du khách đeo. Ngay sau đó, khi thấy du khách không đeo khẩu trang, T đã nhắc nhở để đeo khẩu trang theo quy định.
Như vậy, để việc thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ trong phòng ngừa dịch bệnh, ngoài chủ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, các cửa hàng, ban quản lý các chợ, bảo vệ những toà nhà… thì những đơn vị hỗ khác cũng cần nâng cao trách nhiệm nhắc nhở người dân, du khách đeo khẩu trang.