Ngày đầu áp dụng đeo khẩu trang nơi công cộng: Nhiều người lơ là, chủ quan
- Ngày đầu tiên đeo khẩu trang bắt buộc, người đeo người không
- Lo dịch COVID-19, du khách nước ngoài tại Hà Nội tự giác đeo khẩu trang
- Các cơ sở lưu trú cần có khẩu trang miễn phí cho du khách nước ngoài
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, các siêu thị đều thực hiện chủ trương đeo khẩu trang rất nghiêm túc. Siêu thị Aeon Mall Long Biên để sẵn cồn rửa tay tại mỗi cổng vào. Khách trước khi vào siêu thị sẽ được nhân viên bảo vệ nhắc nhở xịt rửa tay mới được qua cửa. Khách nào trót quên sẽ bị chặn lại và thực hiện đúng các bước mới được qua cửa.
Tương tự, ở siêu thị Vinmart, khách được đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay mới được vào siêu thị. Ngay cả nhiều siêu thị nhỏ như siêu thị B11 Kim Liên cũng yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang mới được vào siêu thị mua đồ.
Đa số người dân hiểu và tự giác chấp hành yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ chính mình. Khách du lịch người nước ngoài đi tham quan Hà Nội cũng thực hiện đeo khẩu trang khá nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng không hiếm khách không đeo khẩu trang tản bộ trên phố, chuyện trò rôm rả.
Quanh Bờ Hồ và các tuyến phố cổ là nơi tập trung đông khách du khách nước ngoài nhưng trong ngày 16-3 khá vắng vẻ. Một phần vì lo ngại dịch bệnh nên vắng khách đến tham quan, một phần vì trời chuyển mưa phùn khá dày nên khách cũng hạn chế ra ngoài. Thêm nữa, đền Ngọc Sơn cũng đã tạm thời đóng cửa nên du khách chỉ có thể đứng phía ngoài chụp ảnh bên trong.
Nhiều khách du lịch không đeo khẩu trang khi dạo phố. |
Trước cửa Nhà Thờ Lớn, địa điểm thăm quan nổi tiếng hút khách du lịch vắng lặng không một bóng dáng du khách nào. Nhiều nhóm khách đeo khẩu trang chụp ảnh selfie một cách vui vẻ. Ngược lại, có gia đình khách nước ngoài mang theo nhiều trẻ em lại thờ ơ với việc phòng ngừa, bố mẹ và các con đều không đeo khẩu trang.
* Chiều 16/3, có mặt tại khu vực Trung tâm Văn hoá - thể dục thể thao (VH-TDTT) Hoa Lư (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP Hồ Chí Minh), PV ghi nhận, ngay tại các điểm dừng đón khách xe buýt, hầu như khách đợi xe đều đã có ý thức trang bị khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế cho bản thân.
Tuy nhiên, một vài tài xế ôm đợi khách thì cho biết đeo mãi cũng rất khó chịu, nóng nực nên lâu lâu kéo khẩu trang xuống gần cằm để thở cho dễ rồi lại mang lại.
Tại các cây ATM khu vực này, hầu như khách bước vào rút tiền chúng tôi đều thấy mang khẩu trang. Một nam thanh niên rút tiền tại cây ATM gần Trung tâm TDTT Hoa Lư cho biết đã nhận được thông tin trên mạng qua theo dõi trên điện thoại nên dù chưa có quyết định này của Thủ tướng thì tự anh đã mang khẩu trang cả tháng nay mỗi khi ra ngoài đường.
Khu vực tiếp tân của Trung tâm VH-TDTT Hoa Lư, đầu giờ chiều 16-3 có khá nhiều khách hàng bắt đầu vào buổi tập luyện. Khi bước vào khu vực này đều thấy có đeo khẩu trang y tế.
Một số người cẩn thận mang theo khăn tắm nhỏ, thảm tập riêng. Một số người cho biết, chấp nhận bỏ ra 1 triệu đồng mua thảm loại cao cấp đỡ “nguy cơ” hơn loại chỉ hơn 100.000đ/cái. Tuy nhiên, một nhân viên tiếp tân tên Thủy cho biết: “Do khách lo thế thôi chứ phòng tập có trang bị đèn tia cực tím để “khử khuẩn” ngay khi kết thúc giờ tập, đảm bảo môi trường an toàn”.
Nhân viên này cho chúng tôi xem các chai sát khuẩn và cho biết trước giờ tập đều cho nhân viên tạp vụ khử khuẩn trực tiếp trên thảm tập, xịt khuẩn phòng tập…
Được hỏi về việc đeo khẩu trang khi tập luyện thể thao, chị Lan - khách tập Aerobic tại Trung tâm VH-TDTT cho biết: “Tập thể dục mà đeo khẩu trang thì không thở nổi. Chúng tôi nghĩ, khi tập, mướt hết mồ hôi, virus thải ra theo đường tuyến mồ hôi rồi, 10 chứ 100 con virus cũng sẽ trôi theo tuyến mồ hôi mà ra. Vì vậy không cần đeo khẩu trang”.
Cùng chiều 16/3, trong lúc ngồi tại quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh, chúng tôi ghi nhận ít nhất có 3 người bán vé số đến chào mời khách uống cà phê mua vé số. Ba người trong số họ đều đeo khẩu trang nhưng mỗi người mỗi kiểu.
Hai người là nữ bán vé số thì “sáng kiến” biến chiếc quai nón che nắng thành khẩu trang cho tiện, chứ không đeo và cho biết đeo khẩu trang vướng, vả lại khẩu trang y tế tìm mua được cũng đắt đỏ, không có tiền. Nên biến quai nón thành khẩu trang vừa che nắng vừa ngăn virus (?). Hầu hết người bán vé số là nam lại không đeo khẩu trang.
Tại các khu vực: Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà… có nhiều khách du lịch, người nước ngoài hầu hết đeo khẩu trang, còn người nước ngoài thì người đeo, người không. Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1), có đoàn du khách nước ngoài khoảng gần 10 người, chúng tôi thấy có một số người đeo kín miệng và mũi, mấy người đeo nhưng kéo trễ xuống cầm, còn lại đa số không đeo.
Khi được hỏi, anh P.T.H. - hướng dẫn viên du lịch Công ty focus..., cho biết đoàn của anh khách Đức đi từ Lào, Campuchia hơn 10 ngày trước, sau đó về đến An Giang (Việt Nam) rồi vừa về đến TP Hồ Chí Minh.
Anh H. nói có nghe thông tin về việc quy định bắt buộc đeo khẩu nơi công cộng nhưng do đoàn vừa đến, anh cũng chưa kịp nhắc du khách. Ngay khi nghe anh thông báo, lập tức nhiều du khách trong đoàn lấy khẩu trang trong túi ra đeo.
Đa số người nước ngoài không đeo khẩu trang nhưng không ai nhắc nhở. Chị T., nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đang trực hướng dẫn khách du lịch tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, cho biết chị có biết việc quy định bắt buộc này nhưng “chỉ nghe lãnh đạo công ty nhắc nhân viên đeo khẩu trang, chứ chưa thấy nói phải nhắc du khách đeo”.
* Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tạm hoãn việc đón khách du lịch tại các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh nhưng vẫn còn một lượng khách nước ngoài lưu trú tại địa bàn.
Dù cơ quan chức năng đã tăng cường thông báo, tuyên truyền việc mang khẩu trang để phòng dịch COVID-19 nhưng không khó để bắt gặp hình ảnh du khách người nước ngoài (NNN) không mang khẩu trang trên các tuyến phố như Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Lê Lợi, Chu Văn An… Tại Đại nội Huế, một nhóm du khách NNN đến đây tham quan, nhiều người trong nhóm này không mang khẩu trang, dù di tích đã hoãn đón khách.
Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ một doanh nghiệp lữ hành ở TP Huế cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh đã sụt giảm đáng kể. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, song vẫn có nhiều du khách chủ quan không đeo khẩu trang lúc đi trên đường phố, hoặc đến các nơi công cộng, ngược lại người dân địa phương lại rất có ý thức về việc đeo khẩu trang để phòng dịch.
Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Bộ Y tế đã khuyến cáo rất rõ về việc đeo khẩu trang trong các trường hợp, nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra thì nhiều du khách quốc tế lại thờ ơ, không chịu mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Vì thế, hiện đơn vị đang phối hợp với Sở Du lịch tỉnh để có các biện pháp vận động du khách NNN đeo khẩu trang, góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Cùng ngày, ngành Y tế Đà Nẵng cho biết, đã phối hợp với lực lượng Công an lập 7 điểm chốt chặn tại các khu vực cửa ngõ ra, vào thành phố (TP) nhằm kiểm soát dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Công an; đồng thời đã có quyết định tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ nơi công cộng, như dịch vụ karaoke, massage; quán bar, vũ trường; dịch vụ trò chơi điện tử.
Các điểm tham quan, như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng tạm đóng cửa từ ngày 16/3 để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Theo ghi nhận tại TP Đà Nẵng, người dân thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang nơi công cộng; riêng khách du lịch nước ngoài, một số vẫn còn chủ quan, chưa chấp hành.
* Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, nhiều du khách NNN đi dạo phố; tham gia lưu thông ở những nơi công cộng trên các tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Cửa Đại, Lê Hồng Phong… chưa chấp hành việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, tính đến ngày 16/3, tại Hội An còn hơn 6.000 du khách NNN tham quan, lưu trú. Chính quyền TP đã tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách đến Hội An phải thông báo cho họ mang khẩu trang ở những nơi công cộng; kể cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn cũng phải tuyên truyền để du khách NNN mang khẩu trang khi ra khỏi nơi lưu trú. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với NNN vẫn chưa nghiêm túc.
Chính quyền TP sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc đeo khẩu trang của du khách NNN để chấn chỉnh. Hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ thị, yêu cầu tất cả khách du lịch, kể cả NNN phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh theo quy định pháp luật; chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đến Quảng Nam, xử lý nghiêm khắc nhất các hành vi không khai báo, khai báo không trung thực tại các cơ sở lưu trú.
Đặc biệt, đình chỉ hoạt động, hoặc thu hồi thẻ hướng dẫn viên nếu để các thành viên trong đoàn không chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, mặc dù đã được cơ quan chức năng đã nhắc nhở; chấm dứt việc cho các công ty lữ hành đưa khách đến địa phương nếu có thái độ thiếu hợp tác trong cung cấp kịp thời thông tin du khách trong vòng 90 phút sau khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
* Tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh đã có quyết định tạm dừng hoạt động đón tiếp khách tham quan các di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn kể từ ngày 18/3 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng Công an tỉnh và Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện công tác phòng ngừa dịch, bệnh COVID-19; đặc biệt kiểm soát tốt tại các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay; rà soát nắm tình hình NNN nhập cảnh vào địa bàn, người lao động tại các quốc gia có dịch, hoặc đi qua vùng dịch bệnh trở về.
Ngày 16/3, lực lượng Công an tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh việc mang khẩu trang khi đi làm, đến nơi công cộng; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền người dân, NNN tại các nơi công cộng việc đeo khẩu trang đúng quy định để góp phần phòng, chống dịch bệnh.
* Chiều 16/3, theo quan sát của PV Báo CAND tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những người chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, vẫn còn khá đông người còn lơ là, không chấp hành.
Chị Nguyễn Thị Huệ, chủ một sạp bán quần áo tại chợ Buôn Ma Thuột, cho biết, vẫn biết là ngày hôm nay người dân buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19. “Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mấy ngày qua, lượng người đến mua hàng rất ít, cộng với thời tiết khá nóng nực nên mình “lười” đeo khẩu trang”, chị Huệ phân trần.
Còn theo chị Trần Thị Kim Anh (một người dân đi mua sắm), thường ngày, khi có việc đi ra chỗ đông người, chị vẫn đeo khẩu trang.
“Bữa nay đi vội, cộng với việc không mua được khẩu trang y tế nên hôm nay mình không đeo”, chị Anh nói. Tại khu vực chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi thấy lượng người ra vào chợ mua sắm khá đông nhưng chỉ lác đác vài người đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, tại một số của hàng, nhà thuốc, siêu thị lớn… trên địa bàn, nhân viên phục vụ ở đây lại thực hiện việc đeo khẩu trang khá nghiêm ngặt.
“Không chỉ ngày hôm nay theo quy định, mà trước đó, từ khi có thông tin dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chủ quầy thuốc đã quy định nhân viên bán hàng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi đến nơi làm việc. Chúng tôi cũng đã tư vấn, phát khẩu trang miễn phí cho người dân dùng, tránh sự lây lan của dịch bệnh khi họ đến mua hàng tại nhà thuốc”, chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên Nhà thuốc Hoà Bình trên đường Y Jút, TP Buôn Ma Thuột, nói.
Đến làm thủ tục cấp CMND tại Trung tâm dịch vụ Hành chính công tỉnh Đắk Lắk, em Nguyễn Thị Huệ (SN 2002, trú tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, mấy ngày vừa qua, em thường xuyên đọc báo và theo dõi thông tin trên mạng Internet được biết, hôm nay là ngày đầu tiên bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi đông người để đề phòng sự lây lan của bệnh dịch nên em đã chấp hành.
“Đeo khẩu trang không chỉ an toàn cho chính bản thân mình mà còn an toàn cho nhiều người khác. Trong khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì mình hãy sống có trách nhiệm với bản thân cũng chính là có trách nhiệm với cộng đồng”, em Huệ cười nói.
Công sở thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang * Tại Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng (đường Trần Phú, TP Đà Lạt) hằng ngày có hàng nghìn lượt người tới làm việc và liên hệ công tác, ngoài đeo khẩu trang, người dân còn được sử dụng miễn phí nước rửa tay sát khuẩn đã được các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn. Một cán bộ ở bộ phận “một cửa” Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng cho biết, gần như 100% người dân tới đây để thực hiện các nhu cầu thủ tục hành chính đều đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải, nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng đối phó với những tình huống khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Công an các đơn vị đã đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh, khử trùng y tế nơi làm việc vào cuối giờ chiều mỗi ngày. Ngày 16/3, tại trụ sở Công an các huyện, thành phố, phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng đều có chiến sĩ trực ban hướng dẫn người dân tới làm việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo rõ ràng thông tin cá nhân. Mặc dù đây mới là ngày đầu tiên thực hiện quy định bắt buộc mọi người tới nơi công cộng phải đeo khẩu trang nhưng 100% người dân tới trụ sở Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an các đơn vị, địa phương liên hệ công tác, giải quyết công việc đều nghiêm túc chấp hành. * Chiều 16/3, ông Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 16-3, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu bắt buộc với khoảng 1.800 cán bộ, công nhân viên (CB, CNV) thuộc gần 60 sở, ban, ngành của tỉnh khi vào làm việc tại tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương phải đeo khẩu trang. Khi CB, CNV và người dân đến các tầng, phòng làm việc của tòa nhà Trung tâm hành chính phải được đo thân nhiệt, rửa tay nước sát trùng và được phát khẩu trang miễn phí (nếu chưa đeo khẩu trang y tế). * Nhằm tăng cường phòng chống dịch COVID-19, ngày 16/3, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo “khẩn” gửi các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị thực hiện những việc cần thiết. Theo đó, các cuộc họp tại trụ sở UBND thành phố sẽ phải đảm bảo yêu cầu không quá 50 người, người đến dự họp phải đeo khẩu trang và “yêu cầu đeo khẩu trang” sẽ được ghi rõ trong giấy mời họp để đại diện các đơn vị tham dự có sự chuẩn bị. Thành phố cũng yêu cầu đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp phải ngồi cách nhau ít nhất 1,5m; hạn chế bắt tay, trao đổi ở cự ly gần; rửa tay trước và sau cuộc họp. Phòng họp cũng sẽ được vệ sinh sau mỗi cuộc họp. Văn phòng UBND thành phố sẽ bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra thân nhiệt và việc đeo khẩu trang ngay từ ngoài cổng với tất cả những người vào trụ sở UBND thành phố, kể cả cán bộ, nhân viên đi làm hàng ngày. Khắc Lịch - Đ.Mừng - Đ.Thắng |