Nắng nóng, gia tăng bất thường các bệnh truyền nhiễm
- Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm
- Nhiều ca viêm não Nhật Bản phải thở máy
- Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản
Sốt xuất huyết, sởi vẫn tăng bất thường
Trải qua nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm cộng với mưa từ đầu hè tới nay khiến cho các bệnh truyền nhiễm gia tăng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đầy kín bệnh nhân mắc sởi, sốt xuất huyết nhập viện. Chị Phạm Thị H. (Ninh Binh) có thai 5 tháng mắc sởi nhập viện gần 1 tuần cho biết: “Lúc đầu nhập viện em rất lo sẽ ảnh thưởng tới thai nhi, nhưng hôm nay bác sĩ thông báo đã an toàn em mừng quá”.
Theo suy nghĩ của chị H, sởi chỉ phát ở trẻ em, vì thế trước khi có thai chị đã không tiêm phòng. Cách đây hơn một tuần chị bị sốt nhẹ, sau đó người phát ban, chị đã tới Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình khám. Do bệnh tiến triển nhanh, chị được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Chia sẻ với phóng viên ngày 11/6, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dịch sởi năm nay diễn biến khá bất thường bởi dù đã vào giữa hè nhưng số ca mắc vẫn cao, lên tới hàng chục ca/tháng. Tuy chưa phải cao đột biến như mùa dịch năm 2014, nhưng mỗi ngày có từ vài đến chục ca nhập viện, còn số bệnh nhân đến khám hàng ngày rất đông. Từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, đặc biệt tỷ lệ người lớn và phụ nữ có thai mắc sởi cao.
Với những đối tượng có nguy cơ cao là người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai thì tỷ lệ biến chứng nhiều hơn. Tuy nhiên, phụ nữ có thai mắc sởi vẫn theo dõi bình thường, không quá nguy hiểm như rubella, vẫn sinh con khỏe mạnh.
Thường mùa đông xuân là mùa đặc trưng để các virus thuận lợi phát triển. Nhưng bất thường là năm nay, dù đã vào hè, thời tiết nóng nực nhưng Trung tâm vẫn tiếp nhận hàng chục ca bệnh thủy đậu, quai bị, cúm, những bệnh được coi là bệnh của mùa đông xuân. “Theo ghi nhận của chúng tôi từ năm ngoái đến nay thì cúm, thủy đậu, quai bị lưu hành quanh năm”– PGS Cường cho biết.
Bệnh nhi 6 tháng tuổi mắc viêm màn não điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm có từ 3-5 trẻ bị sởi vào nhập viện/ngày. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo PGS.TS Trần Minh Điển, hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 40 bệnh nhi mắc sởi, trong đó hầu hết đều là bệnh nặng có liên quan đến nhiễm trùng phổi, viêm não, viêm tai giữa…
Được chẩn đoán sốt xuất huyết đã 3 ngày nay, anh Phạm Tuấn K (Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Nhà tôi năm nào cũng phun thuốc diệt muỗi, nhưng vẫn mắc bệnh”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đề phòng bệnh sốt xuất huyết, quan trọng nhất là diệt loăng quăng (bọ gậy) ở những lu, chum, vại, cống, rãnh trong và xung quanh nhà, thứ hai mới tới phun hóa chất phòng dịch. Các cơ sở y tế phải truyền thông cho người dân hiểu cách phòng chống, muốn không mắc sốt xuất huyết phải diệt trừ loăng quăng trước. Nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi không thì chưa diệt trừ được mầm bệnh.
Còn theo PSG.TS Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng, ngày nào cũng có chục ca sốt xuất huyết tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới khám, trong đó có từ 3-5 ca phải nhập viện. Hiện Trung tâm đang điều trị cho vài chục trường hợp sốt xuất huyết, có những ca nặng.
Cao điểm bệnh viêm não Nhật Bản
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, mùa viêm não ở phía Bắc được xác định vào tháng 4 đến tháng 6 hằng năm do thời tiết thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 20 ca viêm màng não, trong đó có 7 trường hợp viêm não Nhật Bản B. Hầu hết các bệnh nhân viêm não vào nhập viện đều nặng, co giật, kèm theo các biến chứng nhiễm trùng khác, khả năng để lại di chứng về thần kinh cao.
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị từ 300-500 ca viêm não- màng não. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm não, hàng đầu là virus viêm não Nhật Bản B (chiếm 70% trường hợp); viêm não do virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh chân tay miệng), sởi, quai bị và các virus khác.
Để phòng bệnh, cần phải tiêm phòng vaccine đầy đủ |
Tuy nhiên, bệnh nhân mắc viêm não còn hơn 30% chưa rõ căn nguyên, có căn nguyên hiếm gặp và rất khó tìm thấy. Mức độ biến chứng sau khi viêm não - màng não tùy theo nguyên nhân. Chẳng hạn viêm não Nhật Bản B chỉ có 50% khỏi và hồi phục hoàn toàn, 20% là để lại di chứng nhẹ, 3% tử vong, và gần 30% di chứng nặng về tinh thần và vận động. Còn một số virus khác, như do herpes di chứng có thể lên tới 60%-70%. Còn loại virus gây bệnh tay chân miệng ở ngay giai đoạn cấp của bệnh có thể gây ra tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo đánh giá của PGS Cường, thời tiết khí hậu thay đổi bất thường, virus, vi khuẩn tác nhân gây bệnh dễ thích nghi, bệnh dịch xảy ra gần như quanh năm chứ không vào mùa nhất định. Do vậy, những loại bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, với những bệnh lây truyền qua muỗi cắn như sốt xuất huyết người dân và chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm việc diệt loăng quăng, phun hóa chất phòng dịch, loại bỏ các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, mắc màn khi đi ngủ…Các bậc phụ huynh phải thói quen cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt ăn chín, uống sôi; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…để phòng bệnh tay – chân – miệng.